Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: Phép thử của chiến lược tái cân bằng



Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: Phép thử của chiến lược tái cân bằng



Tác giả: Ngô Di Lân
Người dịch: Trần Văn Minh
16-10-2015


Ngô Di Lân là ứng viên tiến sĩ Chính trị tại Đại học Brandeis, nơi ông tập trung vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và quan hệ Mỹ-Trung. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.



Hai chuyến thăm vào tháng tới của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ thử nghiệm khả năng tái cân bằng của Hà Nội.



Một lần nữa, khả năng tái cân bằng ngoại giao của Việt Nam sẽ được thử nghiệm vào tháng 11 này, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian chỉ cách nhau vài ngày. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Obama tới Việt Nam, trong khi chuyến đi của ông Tập cũng sẽ là chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 2005. Do Việt Nam cam kết duy trì mối quan hệ thân mật với cả hai cường quốc, ngay cả trong bối cảnh ngày càng căng thẳng xung quanh các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tháng 11 này sẽ chứng tỏ một khoảnh khắc tinh tế và có tính quyết định về khả năng ứng phó với các cường quốc của Việt Nam.
Quan hệ Mỹ-Việt đã trở nên nồng ấm đáng kể trong vài năm qua, với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước, đạt tới đỉnh điểm trong chuyến thăm chưa từng có của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ vào tháng 7 vừa qua. Kết quả là bản Tuyên bố lịch sử Tầm nhìn chung Mỹ-Việt, trong đó đề ra một khuôn khổ quan trọng để quan hệ Mỹ-Việt có thể tiếp tục phát triển trong dài hạn. Trong bối cảnh này, chuyến đi của ông Obama tới Hà Nội sẽ chỉ củng cố và làm sâu sắc mối quan hệ hơn nữa.
Tuy nhiên, lần này rõ ràng ông Obama không tới Hà Nội để thúc đẩy Hiệp đinh Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi các bên đàm phán đã đạt được thỏa thuận và Quốc hội Việt Nam gần như chắc chắn sẽ phê chuẩn hiệp định TPP. Vào thời điểm khi Trung Quốc đang cấp tốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông và Hoa Kỳ vừa công bố kế hoạch tuần tra hàng hải trong vùng lãnh hải của các đảo này, dường như chắc chắn rằng Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ Biển Đông sẽ nổi bật trong các cuộc đàm phán tại Hà Nội.
Mặc dù lạc quan, giới thân Mỹ ở Hà Nội có lẽ sẽ phải thất vọng vì khó có khả năng chuyến thăm của ông Obama sẽ dẫn đến bất kỳ thỏa thuận mang tính “bước ngoặt” nào. Lại càng thiếu thực tế hơn để mong đợi một “liên minh” nào đó giữa Hà Nội và Washington được hình thành trong chuyến đi này, ngay cả trong lúc Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực mang tính quyết đoán để tạo ra một “sự đã rồi” ở Biển Đông. Sau cùng, không rõ liệu một liên minh công khai như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam hay không, vì điều này chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc và do đó làm cho tình hình mất ổn định thêm. Hơn nữa, Mỹ có vẻ miễn cưỡng trong việc chính thức cam kết liên minh với bất kỳ quốc gia nào mà họ cho là “không thể kiểm soát chính trị” được, như mới đây đã bác bỏ đề xuất hiệp ước phòng thủ chung của các quốc gia vùng Vịnh. Việt Nam chắc chắn không thuộc thể loại các nước trong “phạm vi ảnh hưởng” của Mỹ.
Từ quan điểm của Hà Nội, “ngả sang một bên” sẽ có thể loại trừ khả năng linh hoạt ngoại giao. Bên cạnh đó, trong mọi trường hợp, một liên minh có lẽ không phải là một bảo đảm an ninh bọc thép để đối phó với Trung Quốc, như liên minh trước đây của Việt Nam với Liên Xô đã cho thấy. Tuy nhiên, là điều hợp lý để cho rằng chuyến đi của ông Obama sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước một cách đáng kể, thậm chí có thể dẫn đến việc gỡ bỏ thêm nữa lệnh cấm bán vũ khí sát thương (đã được nới lỏng) cho Việt Nam. Hơn nữa, ông Obama có thể dùng dịp này để thu hút sự ủng hộ ngoại giao cho kế hoạch tuần tra quyết đoán hơn trong khi lôi kéo Việt Nam xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Nếu có ít nhất một số trong những muc tiêu này trở thành hiện thực, chuyến đi của ông ít nhất cũng làm gia tăng vị thế của Mỹ ở châu Á, trong khi giúp cho Hà Nội có một thế đứng mạnh mẽ hơn để thương lượng tay đôi với Bắc Kinh.
Không giống như chuyến đi được dự liệu ​​của ông Obama tới Việt Nam, chuyến đi của ông Tập xảy ra vào thời điểm xáo trộn trong quan hệ Việt-Trung. Quan hệ đã trở nên xấu đi phần nào trong những năm gần đây khi Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông. Trong vài năm qua, ông Tập có lẽ đã thay đổi hiện trạng ở Biển Đông nhiều hơn những người tiền nhiệm của ông trong hai thập niên qua. Nổi bật nhất, vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) trước sự sự phản đối mãnh liệt của cả chính quyền và người dân Việt Nam.
Trong khi Trung Quốc đơn phương rút giàn khoan dầu sau hai tháng, cuộc khủng hoảng ngoại giao đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai chính quyền và gây ra một cuộc tranh luận nội bộ nghiêm trọng trong giới thượng lưu ở Hà Nội. Kể từ đó, Trung Quốc chỉ gia tăng nỗ lực xây dựng đảo, với đường băng được phát hiện trên một số đảo mà cuối cùng có thể được sử dụng để tuyên bố và / hoặc áp đặt một vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông trong một tương lai gần. Những hành động này đã cho Việt Nam thấy rằng Trung Quốc không thành thật tuân thủ các thỏa thuận mà họ đã ký kết như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Với tất cả sự việc này, có vẻ như ông Tập sẽ tới Hà Nội với một sứ mệnh gần như bất khả thi: bằng cách nào đó đưa người láng giềng nhỏ hơn trở về vị trí cũ và “xóa đi làm lại” mối quan hệ với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ rằng Việt Nam sẽ không chỉ đơn giản biến thành Nhật Bản hay Philippines một sớm một chiều. Nhưng về lâu dài, với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, không ai có thể dự đoán Việt Nam sẽ gần gũi như thế nào với cánh đi với Mỹ. Và rất khó cho bất kỳ chủ tịch Trung Quốc nào tại thời điểm này có thể thuyết phục Hà Nội một cách nghiêm túc rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông và rằng Hà Nội nên đồng hành với Bắc Kinh. Do đó không ai mong đợi bất kỳ sự “quay đầu” nào trong chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc sau chuyến đi của ông Tập.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chuyến đi của ông Tập vẫn có thể sửa chữa mối quan hệ Việt-Trung trong giới hạn nào đó và có thể điều hướng sự chú ý của Việt Nam ra khỏi các tranh chấp lãnh thổ hiện nay để tập trung vào các cơ hội hợp tác giữa hai nước. Trong chiều hướng đó, sẽ không là điều bất ngờ nếu Bắc Kinh cung cấp một số giao dịch kinh tế và khoản vay ưu đãi cho Hà Nội trong chuyến đi của ông Tập. Sau cùng, phần thưởng kinh tế như thế luôn được hoan nghênh và sẽ thúc giục Việt Nam ít ra cũng đừng tiến gần hơn về phía Mỹ trong ngắn hạn và tiếp tục chiến lược “đu dây” hiện nay.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn cam kết “đu dây” ngoại giao giữa hai siêu cường, khéo léo cân bằng bên này với bên kia để gặt hái lợi ích, trong khi tránh bị mắc kẹt vào ngõ cụt ngoại giao. Nếu mọi việc suôn sẻ tháng 11 này, chính sách “đu dây” sẽ rất có thể được củng cố như chiến lược tổng thể được ưa chuộng của Việt Nam trong tương lai gần, và sẽ dẫn tới các chọn lựa chính sách sáng tạo hơn. Trong dài hạn, chiến lược này có thể đặt nền móng cho một trật tự khu vực xung quanh các cuộc thương lượng giữa các tổ chức đa phương và các nước lớn, và điều này có thể đưa tới một tương lai đầy hứa hẹn cho các nước cỡ trung bình và nhỏ trong khu vực.

Ngô Di Lân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét