Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Tạ Phong Tần: Hà Nội đã sai lầm khi thả tôi ra khỏi tù



Tạ Phong Tần: Hà Nội đã sai lầm khi thả tôi ra khỏi tù


2015-10-22

Tạ Phong Tần: Hà Nội đã sai lầm khi thả tôi ra khỏi tù   Phần âm thanh Tải xuống âm thanh



Untitled-1
Bà Tạ Phong Tần tại phòng thu đài ACTD hôm 21/10/2015
RFA photo




Tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần vừa bị buộc sang Hoa Kỳ sau khi thi hành gần phân nửa bản án 10 năm về tội tuyên truyền chống nhà nước. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn sau đây nhằm biết thêm ý kiến của chị về chế độ mà chị vừa bị buộc phải lìa bỏ.

Mặc Lâm: Chị từng nhận xét rằng người cộng sản thường lấy sai lầm này để giải quyết một sai lầm khác, theo chị việc đẩy chị sang Mỹ có phải là một sai lầm nữa trong trường hợp của chị hay không?

Tạ Phong Tần: Xin chào anh Mặc Lâm và khán thính giả của RFA. Về câu hỏi của anh thì không phải hôm nay tôi mới nói mà khi còn ở trong nhà tù của cộng sản Việt Nam tôi đã từng nhiều lần nói với cán bộ công an trong đó rằng nhà nước cộng sản Việt Nam bắt Tạ Phong Tần  vào tù là một sai lầm và nếu thả ra thì sai lầm còn nghiêm trọng hơn.


Khi ở trong nước tôi không làm gì cả, chỉ là một nhà báo bình thường thôi và họ vì không muốn tôi nói lên sự thật tai nghe mắt thấy ở Việt Nam nên họ muốn bịt miệng tôi bằng cách nhốt tôi vào tù. Bây giờ họ đưa tôi sang Mỹ thì tôi vẫn như thế và tôi còn nói nhiều hơn và to hơn nữa. Như vậy có phải là sai lầm lớn hơn không? Họ biết rằng hơn 4 năm trong tù tôi chẳng bao giờ thay đổi điều gì cả.

Mặc Lâm: Trước khi đưa câu hỏi này xin chị nhận lời chia buồn của tôi và toàn ban Việt Ngữ RFA về sự ra đi của thân mẫu chị. Xin chị cho biết khi nghe tin bà cụ tự thiêu để chống lại phiên tòa bất công mà chị là nạn nhân thì chị có cảm thấy ân hận vì việc tranh đấu của mình đã dẫn đến cái chết của bà hay không?

Tạ Phong Tần: Tôi chưa bao giờ ân hận vì tôi không bao giờ làm việc gì trái với lương tâm của mình mà tôi coi đó là động lực để thúc đẩy tôi quyết tâm hơn trong việc chống lại sự áp bức bất công.

Mặc Lâm: Là một luật gia chị tuyên bố là sẽ cùng với anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải kiện chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế việc giam giữ chị trái phép. Xin chị cho biết tòa án nào sẽ thụ lý vụ kiện và cơ sở nào khiến chị tin rằng một phiên tòa sẽ được mở ra với sự đồng ý của Việt Nam?

Tạ Phong Tần: Tôi không nói là kiện chính phủ Việt Nam ra tòa mà tôi nói là sẽ kiện Cộng sản Việt Nam ra tòa. Cộng sản cụ thể đây là những người ngồi xét xử tôi trong phiên tòa phi lý và bất công đó chứ nếu bây giờ tôi kiện Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, ông ta sẽ chối là ông ta không làm. Còn việc kiện đến tòa án nào thì tôi đang cùng các bạn của tôi trong ngành luật ở Hoa Kỳ bàn bạc và sẽ thảo luận lập hồ sơ như thế nào.

Mặc Lâm: Trong lần về thủ đô Washington DC lần này nếu được phát biểu trước lập pháp Hoa Kỳ chị sẽ chọn đề tài nào mà chị cho là cần lên tiếng nhất?

Tạ Phong Tần: Sở dĩ tôi bị cái án 10 năm tù và 5 năm quản chế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì tôi đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí của người dân Việt Nam trong nước, bây giờ tôi có cơ hội trình bày trước cơ quan lập pháp Hoa Kỳ tôi vẫn sẽ nói vấn đề đấy và nói thêm những việc mà cộng sản Việt Nam đã dùng nhà tù để đàn áp tù nhân chính trị trong tù như thế nào và đàn áp những người tù thường phạm khác trong nhà tù ra sao.

Mặc Lâm: Nhà báo thì không được viết bài phê phán, chỉ trích bất cứ cá nhân hay chính phủ nào, trong khi đó một người tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền toàn quyền làm việc này nếu có chứng cứ trong tay. Giải pháp nào chị tin rằng có thể dung hòa cho cả hai trong một con người?

Tạ Phong Tần: Tôi thấy vấn đề đó không có gì mâu thuẫn hết vì một khi tôi thực hiện quyền con người của tôi là quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, và tôi làm báo thì lồng vào đó ý nghĩa đấu tranh rồi. Bây giờ tôi ra hải ngoại tại một xứ sở tự do tôi vẫn tiếp tục công việc ấy. Đồng thời tôi vận dụng khả năng hiểu biết về pháp luật của mình, kinh nghiệm mười mấy năm công tác trong ngành pháp luật ở Việt Nam của tôi để viết những bài báo cho tất cả mọi người trong nước hiểu rằng thế nào là tự do báo chí và pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế quy định như thế nào về vấn đề này. Người trong nước phải làm gì để đòi hỏi cái quyền của mình mà mấy chục năm nay bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bóp nghẹt.


“Khi tôi còn trong giai đoạn điều tra tại
trại giam công an thành phố HCM, ông
điều tra viên làm việc với tôi ổng nói rằng
nếu ổng có quyền thì sẽ không bắt giam
tôi. Chị không làm gì sai cả chỉ có điều là
nói hơi sớm mà thôi.”
- Tạ Phong Tần


Mặc Lâm: Hải ngoại có hàng trăm cây viết tranh đấu cho Việt Nam trong suốt 40 năm qua, nếu tiếp tục viết vì mục đích này chị sẽ chọn cách viết nào và tại sao chị tin nó sẽ được chú ý và đạt kết quả nhiều hơn?

Tạ Phong Tần: Đúng là ở hải ngoại có hàng trăm nhà báo nhưng người ta thiếu sự trải nghiệm trong lực lượng cộng sản mà tôi đã từng đứng trong đấy mười mấy năm để hiểu được nội tình trong đó. Họ cũng thiếu những kinh nghiệm ở tù nữa cho nên họ không có những cái mà tôi có.

Mặc Lâm: Nếu chị chọn trang Công Lý và Sự thật để tiếp tục tranh đấu chị sẽ viết những gì mình đã trải qua hay sẽ tập trung cho những điều sắp tới, trong đó gồm những tư duy mà chị hình thành trong nhiều năm giữa bốn bức tường nhà giam?

Tạ Phong Tần: Ở chỗ này tôi đính chính lại một chút cái trang của tôi là trang “Sự thật và công lý” chứ không phải Công lý và sự thật. Ban đầu đúng là tôi làm trang Công lý và sự thật nhưng sau một năm khi tôi bị công an cộng sản Việt Nam cướp quyền điều khiển trang đó thì tôi đổi lại, tôi làm một trang mới là Sự thật và Công lý.


Tôi cho rằng sự thật bao giờ cũng có trước rồi công lý mới đến sau. Không có sự thật thì sẽ không có công lý. Cách viết của tôi thì cũng như trước và cộng thêm với những cái thay đổi vì môi trường sống hiện nay nó thay đổi.

Mặc Lâm: Trước đây là một cán bộ công an đảng viên, bây giờ là một ky tô hữu với tên thánh là Maria, xin được hỏi chị chịu phép rửa tội vì tin vào Chúa hay cảm kích sự giúp đỡ của các linh mục trong DCCT Kỳ Đồng? hoặc mạnh hơn nữa chị muốn cho chính quyền biết đó là sự đối kháng đến cùng của chị?

Tạ Phong Tần: Khi tôi còn làm việc ở văn phòng luật sư Pháp Quyền ở Sài Gòn thì văn phòng của tôi nhận vụ án bào chữa cho 8 giáo dân Thái Hà thì lúc đó tôi giúp đỡ cho giáo xứ chứ đâu phải giáo xứ giúp đỡ tôi đâu? Nhưng khi tôi tiếp xúc với các giáo dân ở đó, tiếp xúc với quý cha quý thầy ở đó tôi đã ngộ ra được một điều là trong giáo lý công giáo mặc dù có nhiều điều nhưng có lẽ có thể gom lại một điều duy nhất thôi, đó là Thiên Chúa là tình yêu. Đó là cái mà nhà nước cộng sản Việt Nam không bao giờ có được.


Còn nói về các cha của Dòng Chúa Cứu Thế giúp đỡ thì tôi công nhận là cũng có nhưng trong phạm vi luật giáo hội và 10 điều răn của giáo hội chứ không phải tôi làm cái gì các cha cũng ủng hộ. Các cha chỉ ủng hộ những gì thuộc về chân lý và đúng thôi. Tôi ủng hộ nhà dòng cũng thế. Cái gì đúng thuộc về chân lý thì tôi ủng hộ.

Mặc Lâm: VN có một câu nói rất thâm thúy về người đảng viên: “Nó là đảng viên nhưng nó tốt” câu này có thể áp dụng cho một công an viên nào đó hay không, chẳng hạn như “nó là công an nhưng nó tốt”?

Tạ Phong Tần: Cái đó hiếm hoi lắm. Công an hay bất kỳ người nào trong hệ thống nhà nước Việt Nam một khi đã là người của guồng máy ấy thì không thể có chữ “tốt” mà nó chỉ tốt ở một phương diện hay trong một trường hợp cụ thể nào đó thôi.


Khi tôi còn trong giai đoạn điều tra tại trại giam công an thành phố HCM, ông điều tra viên làm việc với tôi ổng nói rằng nếu ổng có quyền thì sẽ không bắt giam tôi. Chị không làm gì sai cả chỉ có điều là nói hơi sớm mà thôi. Có lần ổng nói là ổng sắp nghỉ hưu rồi ổng không muốn làm những việc gì sai trái nhưng đã trót lên thuyền rồi không xuống được nữa. Tôi mới bảo: bây giờ anh đã biết như thế thì anh hạ buồm đi sao anh lại căng buồm lên trong cơn sóng dữ? anh hạ buồm đi!


Mặc Lâm: Xã hội VN hiện nay nổi lên tình trạng côn đồ trợ giúp cho công an trong các việc mà công an không dám ra mặt, theo chị thì tại sao hệ thống tòa án trên toàn cõi VN làm như không biết đến việc này?

Tạ Phong Tần: Tôi phải nói rõ để cho mọi người hiểu rằng cái đó không phải côn đồ đâu đừng hiểu lầm. Nó là công an đội lốt côn đồ đó. Tôi đã chứng kiến nó quăng mắm tôm vào tượng Đức mẹ ở giáo xứ Thái Hà và nó đã từng nhiều lần bắt cóc tôi tại nhà riêng của tôi ở số 84 đường Trần Quốc Toản Quận 3. Nó cướp tài sản của tôi và tôi biết rõ nó là thằng nào. Nó là công an chứ không phải côn đồ, công an đội lốt côn đồ. Trong một chế độ mà khi không thể dùng pháp luật để giải quyết vấn đề vì bản thân nhà nước sai thì chỉ còn cái biện pháp đó mà thôi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn chị.


Tạ Phong Tần: Hà Nội đã sai lầm khi thả tôi ra khỏi tù


……….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét