Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

KỸ NGHỆ DU LỊCH CỦA TRUNG QUỐC




Kỹ nghệ du lịch của Trung Quốc

Nguyễn Hưng Quốc




Bạn bè tôi, nghe tôi kể về giá chuyến đi du lịch ở Trung Quốc vừa rồi, đều bất ngờ: Chỉ có 350 đô Úc trong 9 ngày cho mỗi đầu người. Chi phí bao gồm toàn bộ việc ăn, ở và di chuyển nội địa từ thành phố này qua thành phố khác (không kể vé máy bay từ Bắc Kinh đến Nam Kinh). Về ăn, bao gồm cả ba bữa; hai bữa ăn trưa và ăn tối đều ở những tiệm ăn khá sang trọng. Nhưng nổi bật nhất là về chuyện ở: Tất cả đều là các khách sạn từ bốn sao đến năm sao, trong đó, có những khách sạn quốc tế nổi tiếng như Sheraton và Hilton. Tôi vào internet tìm hiểu giá ở khách sạn Hilton: 240 đô một đêm! Như vậy, tính ra, giá nguyên cả tour du lịch 9 ngày chưa đủ để trả hai đêm ở khách sạn.

Thú thực, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên trước cái giá quá mềm như vậy. Nhân viên trong văn phòng du lịch giải thích: Đó là tour đặc biệt, thỉnh thoảng mới có, được chính phủ và một số đại công ty ở Trung Quốc tài trợ để, thứ nhất, quảng bá hình ảnh của Trung Quốc; và thứ hai, giới thiệu một số sản phẩm đặc thù của các công ty ấy.


Chuyện chính phủ Trung Quốc có tài trợ hay không, tôi không thể kiểm tra được. Nhưng chuyện các công ty tài trợ thì có lẽ có: Họ tài trợ ở tay này và lấy lại ở tay khác. Bằng việc bán hàng cho du khách.

Trung bình mỗi ngày, đoàn du lịch có khoảng ba hay bốn hoạt động khác nhau, trong đó, bao giờ cũng có một hoạt động mất nhiều thì giờ nhất: mua sắm. Không phải muốn mua gì hay ở đâu cũng được. Thường, hướng dẫn viên chở thẳng đến một nơi nào đó, có khi rất xa trung tâm thành phố, có vẻ như được xây dựng để bán hàng riêng cho du khách từ nước ngoài.

Chính ở những nơi ấy, tôi mới được chứng kiến tận mắt kỹ nghệ móc túi trắng trợn và tài tình của ngành du lịch Trung Quốc.

Ngày đầu tiên, chúng tôi được chở đến Viện Y dược Trung Quốc ở Bắc Kinh. Có một người tự xưng là giáo sư tiếp đoàn và giới thiệu về Viện. Ông cho y dược cổ truyền là một trong những thành tựu đặc thù của văn hóa Trung Quốc. Viện của ông là một trong những trung tâm lâu đời và thành công nhất của nền y dược ấy. Sau đó, ông đề nghị mọi người được khám bệnh miễn phí. Người khám bệnh cho tôi là một bác sĩ đã lớn tuổi. Người phiên dịch là một cô gái trẻ, nói tiếng Anh rất lưu loát. Đầu tiên, ông bắt mạch cho tôi. Sau, ông chăm chú nhìn các đầu ngón tay. Ngẩng đầu lên, ông hỏi tôi:

- Anh bị cao huyết áp, phải không?

- Thưa không, huyết áp của tôi bình thường.

Ông bảo tôi thè lưỡi ra cho ông xem, rồi hỏi:

- Thỉnh thoảng anh bị xây xẩm mặt mày, phải không?

Tôi đáp:

- Thưa, không.

Ông hơi có vẻ lúng túng. Lát sau, giải thích thêm:

- Nhìn móng tay của anh, tôi thấy máu lưu thông không đều. Như vậy tim anh có vấn đề. Có lẽ anh thường đi khám bệnh ở các bệnh viện Tây phương. Có điều, y học Tây phương chỉ thấy ngọn chứ không thấy gốc. Họ chỉ thấy bệnh khi bệnh đã phát triển rõ ràng và trầm trọng. Bởi vậy, khi họ nói anh mắc bệnh gì đó thì lúc ấy đã quá muộn rồi. Y học Trung Quốc, ngược lại, có thể phát hiện được cả mầm bệnh. Ví dụ, nghe mạch và nhìn các ngón tay của anh, tôi biết việc lưu thông máu của anh có vấn đề. Nguyên nhân của vấn đề ấy nằm ở tim. Hậu quả của vấn đề ấy lại càng nguy hiểm hơn, nó có thể ảnh hưởng đến cả gan và thận của anh. Không điều trị sớm thì một ngày nào đó, anh sẽ thấy trong thân thể của anh ở đâu cũng có bệnh cả. Mà lúc ấy, việc điều trị trở thành quá muộn.

Tôi hỏi:

- Nếu muốn điều trị từ bây giờ thì phải làm thế nào?

Ông rút từ xấp tài liệu một danh sách thuốc và nói:

- Chúng tôi có bán một số thuốc Bắc được chế biến dưới hình thức viên như thuốc Tây. Anh chỉ cần uống bốn hộp trong hai tháng, các triệu chứng bệnh sẽ khỏi.

- Giá mỗi hộp thuốc là bao nhiêu?

Trước khi trả lời, ông nhấn mạnh: Đó là những loại thuốc quý hiếm, được tinh chế theo các công thức từ ngàn đời và không thể tìm mua ở đâu khác ngoài Viện Y dược nơi ông đang làm việc cả. Cuối cùng, sau khi tôi gặn hỏi, ông mới cho biết: mỗi hộp (30 viên) tương đương với 50 đô Úc. Bốn hộp, như vậy, khoảng 200 đô. Tôi cám ơn ông và bảo tôi sẽ suy nghĩ. Ông thúc ép: “Anh không có nhiều thì giờ để suy nghĩ, bởi vì, lát nữa, anh sẽ đi thăm những nơi khác, không có cơ hội để trở lại. Mà thuốc của chúng tôi thì không thể tìm thấy ở bất cứ ở đâu khác.” Tôi lại cám ơn và bước ra ngoài.

Ở ngoài, đã có khá nhiều người khám bệnh xong. Có thể chia họ thành ba nhóm theo ba phản ứng khác nhau: Một nhóm, rất hể hả, khoe vừa mua một đống thuốc, có khi trị giá đến trên một ngàn đô, và như vậy, vấn đề sức khỏe của họ coi như giải quyết xong, không còn phải lo lắng gì nữa. Một nhóm khác, hoàn toàn không tin, kể lại những lời phán của thầy thuốc như một chuyện hài hước. Nhóm thứ ba, thường là từng cặp, mặt mày bí xị, nếu không cãi cọ thì cũng lườm nguýt nhau. Họ đều nói tiếng Tàu nên tôi không hiểu. Một người bạn trong nhóm, cũng người Tàu nhưng ở Mỹ, dịch sang tiếng Anh cho tôi nghe: Mấy bà vợ muốn mua thuốc; mấy ông chồng lại ngăn cản. Vợ bèn chửi chồng là ích kỷ, thấy vợ bị bệnh sắp chết mà tiếc tiền không chịu mua thuốc theo lời bác sĩ dặn!

Sự căng thẳng giữa các cặp vợ chồng ấy dường như kéo dài cả ngày sau đó. Vợ thì hậm hực; còn chồng thì đăm chiêu. Không khí trong xe im ắng hẳn.

Những ngày sau, ngày nào chúng tôi cũng được chở đến một nơi nào đó để mua sắm. Cũng những lối quảng cáo như thế. Và cũng có những hục hặc trong các gia đình du khách về chuyện người thì muốn mua và người thì muốn ngăn cản như thế. Hàng ngày.

Chỉ xin kể hai chuyện chính.

Trước khi đến Tô Châu, chúng tôi được chở đến một vườn trà (chè) nghe nói là rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Trà được trồng trên những ngọn đồi trùng trùng điệp điệp. Xanh ngắt. Giữa những ngọn đồi ấy là một tòa nhà khá đồ sộ. Chúng tôi được mời vào phòng vừa uống trà vừa nghe một người được giới thiệu là giáo sư nói chuyện. Ông nói về lịch sử trà và văn hóa uống trà của người Trung Hoa. Ông nói về lai lịch vườn trà chúng tôi đang thăm viếng. Đặc biệt, ông nói về một trong những công dụng quan trọng của trà mà thế giới chưa biết: trị ung thư. Ông khoe ông đang viết một cuốn sách về việc đó. Sách đã được một nhà xuất bản lớn bên Mỹ đồng ý xuất bản. Rồi ông chứng minh công dụng của trà bằng cách lấy một nắm gạo đổ vào một cái ly thủy tinh. Sau đó ông lấy một lọ nước màu đỏ mà ông cho biết là những chất độc thường thấy trong việc chế biến thức ăn ở Trung Quốc và Việt Nam. Ông đổ lọ nước ấy vào ly gạo. Gạo đang trắng biến thành màu đen ngay tức khắc. Đen thui. Như nước trong các ống cống ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh: Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư trầm trọng ở các nước đang phát triển. Rồi ông hỏi xin từ đám du khách một bình nước lọc họ mang theo uống. Ông rót nước ấy vào ly gạo. Ly gạo vẫn đen thui. Ông lại lấy bình trà rồi rót nước trà vào ly, lấy đũa khoắng qua khoắng lại vài cái: nước trong ly đang đen ngòm bỗng trở thành trong suốt. Bao nhiêu chất đen lắng hết xuống đáy. Ông giơ ly lên cho mọi người xem:

“Quý vị thấy chưa? Trong thực phẩm quý vị ăn hàng ngày, có bao nhiêu là độc tố. Chỉ cần uống trà này vào, mỗi ngày vài lần, bao nhiêu độc tố ấy sẽ bị đào thải hết ra ngoài. Bà con không còn bị họa ung thư đe dọa nữa!”

Rồi ông giải thích thêm: Không phải trà nào cũng có tác dụng thần kỳ như vậy. Chỉ có trà ở nơi chúng tôi đang thăm viếng mới được như vậy mà thôi. Lý do là vì chất đất và chất nước ở địa phương. Bởi vậy, người ta không thể sử dụng trà ở bất cứ đâu khác để thay thế. Nếu không mua trà ở đây, bà con sẽ mất đi một cơ hội ngàn vàng để ngăn chận ung thư và nhiều thứ bệnh hiểm nghèo khác!

Thế là nhiều người trong đoàn du lịch, nhất là những người lớn tuổi, mua ào ào. Mà giá trà không rẻ chút nào cả. Nửa ký trà xanh giá 750 nhân dân tệ, tức khoảng 120 đô Mỹ! Nhiều người mua đến cả mấy ký để trữ!

Ở Hàng Châu, chúng tôi được chở vào một tiệm cẩm thạch rất lớn. Người đại diện tiệm tự giới thiệu là giáo sư, em trai của chủ nhân. Ông nói rất dông dài, cả gần một tiếng đồng hồ, bằng tiếng Quảng Đông. Một người bạn đứng bên cạnh thầm thì dịch lại sang tiếng Anh cho tôi hiểu. Đại khái, ông biết tất cả những người trong đoàn (khoảng 60 người) đều là người gốc Hoa từng ở hoặc Việt Nam hoặc Trung Quốc ra sống ở nước ngoài. Ông thông cảm với tâm trạng và cuộc sống của họ. Bởi chính ông cũng là một người như thế. Ông sinh ra ở Việt Nam, trong một gia đình gốc Hoa. Chiến tranh Trung Việt xảy ra, cả gia đình ông bị đuổi về Trung Quốc. Không thích chế độ cộng sản, nhưng gia đình ông không còn chọn lựa nào khác. May, ở Trung Quốc, nhờ bố ông có nghề làm nữ trang nên càng ngày càng làm ăn phát đạt. Nhưng ông không thích buôn bán. Ông chọn con đường khác: nghiên cứu và trở thành giáo sư. Mỗi năm ông thường dạy học ở Trung Quốc nửa năm và sang Singapore dạy học nửa năm. Ở Singapore, ông dạy học bằng tiếng Hoa và tiếng Anh; sinh viên ngoại quốc rất thích. Hôm nay, vì người anh cả của ông đi Mỹ họp hành trong một tháng, ông thay mặt anh để trông nom cửa tiệm. Rồi ông nhấn mạnh: vốn là một học giả, lại thông cảm với tâm trạng của những người tị nạn cộng sản sống xa quê hương, ông không xem chuyện lời lỗ là điều quan trọng. Ông quyết định giảm giá đặc biệt cho đoàn du lịch: 90%! Mọi người trong đoàn du lịch vỗ tay rầm rầm!

Lúc ông nói xong, mọi người đổ xô đi chọn hàng. Người thì mua nhẫn; người thì mua vòng đeo tay hoặc đeo cổ; người thì mua những vật trang trí hình thú vật hoặc hoa trái để về bày trong tủ kính ở nhà.

Nghe ông giáo sư giới thiệu sinh ra ở Việt Nam, tôi lân la đến nói chuyện. Tôi hỏi: “Anh biết nói tiếng Việt hả?” Ông ngơ ngác không hiểu gì cả. Tôi hỏi lại, thật chậm: “Anh sinh ra ở Việt Nam hả?” Ông cũng không hiểu. Tôi chuyển sang tiếng Anh: “Can you speak Vietnamese?” Ông cũng ngơ ngác không hiểu. Một người đứng bên cạnh, vốn là Hoa kiều ở Mỹ, dịch sang tiếng Tàu.

Ông nghe xong rồi gật gật: “Việt Nam! Việt Nam!” Rồi lỉnh đi chỗ khác.

Vài phút sau, ông biến mất ra khỏi phòng. Chỉ còn lại các nhân viên đang tất bật bán hàng cho du khách.

Mấy ngày sau, ở Thượng Hải, một chị trong đoàn, sau khi đi gặp một người bạn cũ từ Hồng Kông về Trung Quốc làm việc, báo tin buồn cho cả đoàn: chiếc vòng đeo tay chị mua với giá 800 đô Mỹ là cẩm thạch giả!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét