Năm 2012: Vận mạng thế giới sẽ nằm trong tay các Bà
Bà Christine Lagarde (trái), Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) đang bắt tay ông Pranab Mukerjee, Bộ trưởng tài Chánh Ấn Độ
ở New Delhi, hôm 19/3/2012.
Từ khi Ngày Quốc tế Phụ nữ ra đời, địa vị của người phụ nữ ngày càng được đề cao trong xã hội. Ngày nay ngưòi phụ nữ tham gia nhiều ngành nghề mà trước đây chỉ dành riêng cho nam giới như lái máy bay, lái chiến xa, đi hải quân, cả tàu lặng và hàng không mẫu hạm, đi những binh chủng chiến đấu nguy hiểm, làm tình báo mặt trận … Trên chánh trường, phụ nữ nắm giữ những chức vụ lãnh đạo quốc gia như Tổng thống, Thủ tướng, Tổng Bộ trưởng; trong nghiệp vụ, Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty lớn. Trước đà tiến của nữ giới, nam giới lần lần mất đất tuy họ vẫn còn giữ đa số. Nhưng tương lai không có gì bảo đảm cái đa số này sẽ không bị thay đổi. Hiện tại trên 135 quốc gia, có tới 45 quốc gia, người phụ nữ nắm giữ vai trò lãnh đạo chánh trị trong đó có 18 phụ nữ là Tổng thống hay Thủ tướng như ở Úc, Đức, Thái lan, Đan-mạch, Ba-tây, … Ở Mỹ, dân chúng nghĩ rất có thể Bà Hillary Clinton, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ làm Tổng thống trong kỳ tới.
Báo chí đang phổ biến chức vụ và hình ảnh của nữ chánh khách là Tổng thống, Thủ tướng, Dân biểu Quốc Hội, Thượng Nghị sĩ của 7 quốc gia Âu châu, Mỹ châu và Á châu. Chẳng những những phụ nữ này có tiếng là tài giỏi mà còn có thêm sắc đẹp dễ hút mất hồn người đối diện.
Phải chi phụ nữ lãnh đạo tài chánh
Khủng hoảng tài chánh xảy ra ở Mỹ làm cho ngân hàng Lehman Brothers sập tiệm. Bà Christine Lagarde, Tổng trưởng Kinh tế Tài chánh Pháp, nói đùa rất thú vị «Phải chi ngân hàng Lehman Brothers mang tên là Lehman Sisters thì có lẽ đã tránh khỏi thảm nạn rồi». Câu nói đùa của bà chạy đi khắp thế giới chẳng những làm cho giới phụ nữ như được vuốt ve mà còn làm cho các ông cũng phải giựt mình nghĩ lại. Bà Christine Lagarde ngày nay là Tổng Giám đốc Quỉ Tiền tệ quốc tế, thay thế ông DSK bị hạ bệ vì bị nghi là thủ phạm vụ hiếp dâm nữ bồi phòng của khách sạn Sofitel ở NY tháng 5 năm rồi. Theo bà Christine Lagarde, trong những lúc khó khăn, bạo loạn, người phụ nữ thường có khả năng làm lắng dịu hoặc ổn định được tình hình nhờ ở họ có sẵn những đức tánh như sự bình tĩnh, tinh thần trách nhiệm cao, và cái nhìn thực tế .
Ở các nước dân chủ, người phụ nữ được dân chúng bầu vào chức vụ lãnh đạo quốc gia . Bà Cristina Kirchner được tái đắc cử Tổng thống xứ Argentine vì bà đã đưa đất nước này vào con đường phát triển kinh tế mà không ai truớc đây đã dám hi vọng thành công. Ở Brésil, Bà Dima Roussef đắc cử Tổng thống, đã chứng minh rõ ràng bà không phải là người của Ông Lula, vị tiền nhiệm và bảo trợ, giựt dây điều khiển. Bà đã cả quyết ngưng chức 5 vị Tổng trưởng bị cáo buộc tham nhũng và bà đã không ngần ngại gởi quân đội đi bình định các thành phố phức tạp. Dân chúng ủng hộ bà. Có tới 70 % dân chúng tỏ ra hài lòng việc làm của bà.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Cộng Hòa Liên bang đức, được cả thế giới kính nể chớ không riêng gì nhân dân Đức hay âu châu, từ mấy năm nay, lãnh đạo cuộc chiến chống khủng hoảng kinh tế tài chánh không ngừng nghỉ để nhằm bảo vệ đồng euro và Liên Hiệp Âu châu. Trong một Âu châu suy trầm nặng nề, bà luôn luôn tranh đấu không khoang nhượng. Tập chí Forbes thêm một lần nữa chọn bà là người đàn bà quyền lực nhứt hoàn vũ. Được bầu năm 2005, Bà Angela Merkel đã áp đặt vào việc lãnh đạo nước Đức theo cái cung cách chánh khách riêng của bà: cứng rắn và trầm tĩnh, không làm ra vẻ, không phùng xòe. Bà xuất thân là nhà vật lý. Bà cho rằng tham vọng không phải là điều xấu. Thuộc thế hệ lãnh đạo mới, bà không tôn thờ một thần tượng nào làm mẫu mực.
Trong năm nay, 2012, người ta nghĩ rằng vận mạng thế giới sẽ nằm gọn trong tay các bà . Chờ xem!
Khi hai giai nhân tài hoa gặp nhau
«Không bao giờ khước từ». Đó là câu chăm ngôn mà Bà Hillary Clinton, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Huê kỳ, học được ở Cựu Thủ tướng Anh, Ông Churchill, và bà đem khắc lên tấm bảng để trên bàn viết của bà.
Bà Hillary Clnton và Bà Aung San Suu Kyi là hai chị em không đồng dạng. Người da trắng, mắt xanh, tóc vàng; kẻ da ngăm, mắt đen, tóc đen. Người là Bộ trưởng Ngoại giao của một cường quốc hàng đầu thế giới, đang trên đỉnh cao danh vọng và quyền lực. Và nhứt là một người tranh đấu hăng say mà lại thường cho rằng mình là kẻ thất bại nhưng sẵn sàng thách thức. Kẻ là thánh tử đạo anh hùng, được dân chúng xem như vị thần của xứ sở, được giải thưởng Nobel Hòa bình và được cả thế giới ngưỡng mộ.
Bà Hillary Clnton và Bà Aung San Suu Kyi
là hai chị em không đồng dạng.
Dưới một cái nhìn khác, hai bà Hillary Clinton và Aung San Suu Kyi, được dư luận xem là «hai chị em song sanh». Cách nay hai năm, tình cờ, hai người khám phá ra là họ cùng ăn mặc giống nhau, áo trắng cổ tròn, tóc bới đuôi ngựa. Đây là lần đâu tiên họ chánh thức gặp nhau. Buổi chiều hôm đó, Bà Aung San Suu Kyi được Bà Hillary Clinton mời ăn tối tại trụ sở Phái bộ Ngoại giao Huê kỳ tại Rangoon, Miến điện. Bà Aung San Suu Kyi, có vẻ vội vàng, bước xuống chiếc xe màu trắng do tài xế lái đưa đi. Nhưng Bà Ngoại trưởng đã đứng sẵn trên nấc thang dẫn lên cửa vào để đợi khách.
Chính gia chủ hôm nay mới là người lúng túng khi khách tới. Chưa thật sự gặp nhà nữ ái quốc, tranh đấu dân chủ kiên cường của Miến điện, nhưng Bà Ngoại trưởng vừa xem qua cuốn phim “The Lady” của Luc Besson trên máy bay, ấn bản DVD vì phim chưa phát hành ở Huê kỳ. Trong ứng xử ngoại giao và tiếp khách, Bà Hillary Clinton nào phải là tay mới ra nghề. Thông thường, khi trông thấy khách tới, bà liền cất tiếng chào vồn vã với nụ cười sẵn trên môi. Vậy mà hôm nay, hoàn toàn khác hẳn, bà chấp tay trước ngực theo kiều Á đông để chào khách. Một cử chỉ biểu hiện thân tâm an lạc. Sự thay đổi cung cách giao tiếp có ý thức của bà Ngoại trưởng Huê kỳ phải chăng ở nó đã nói lên một sự nghiêng mình trước cái duyên dáng dịu dàng vô cùng khả ái của một phụ nữ mảnh mai mà kiên cường suốt thời gian dài quyết liệt đương đầu không khoang nhượng với bạo lực quân sự? Một va chạm giữa sức mạnh cường quốc với sự mong manh của một phụ nữ tranh đấu dân chủ. Hiệu quả thuyết phục của một thứ quyền lực mềm ở người phụ nữ Á đông.
Rồi hai bà lập tức trở thành hai người bạn quí nhau. Họ bước tới ôm chầm lấy nhau, xiết chặt nhau trong vòng tay thân ái, trước khi hai người cùng ăn tối với nhau.
Ba giờ êm đềm trôi qua giữa hai người tại hàng hiên của trụ sở phái bộ ngoại giao, trong cái không khí mát mẻ pha chút hơi sương của buổi tối xứ Miến điện. Hai định mệnh đặc biệt gặp nhau, đối chiếu nhau, chia sẻ với nhau. Qua hôm sau, Bà Hillary Clinton phải rời Miến điện. Trước khi lên đường, bà tới từ giả Bà Aung San Suu Kyiu. Bà ôm người bạn xứ Miến điện như ôm cả xứ Miến điện vào lòng. Bà ôm để mọi người trông thấy cái cử chỉ và cái ý nghĩa của cái ôm này. Bà ôm một lần, rồi hai lần. Hình ảnh hai người ôm nhau, cùng cười rạng rỡ, liền được phổ biến khắp thế giới. Hình ảnh hai người ôm nhau mang một ý nghĩa rất chánh trị: từ nay đừng có ai đụng chạm tới người cựu tù của cánh quân nhân độc tài cầm quyền vừa qua vì đó là người bạn của Bà Ngoại trưởng Huê kỳ.
Mọi người hãy còn nhớ năm 2008, Bà Hillary Clinton, thất bại trước Ông Obama được Đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên Tổng thống. Đối thủ của bà là một người lai, từ đâu xuất hiện, bà không hề để ý tới. Nay bà thua và tự cảm thấy bị nhục. Bà phản ứng rất bình thường theo tâm lý chung của dân Mỹ da trắng gốc Ái-nhỉ-lan. Khi đắc cử Tổng thống, Ông Obama mời bà làm Bộ trưởng Ngoại giao. Bà tứ chối ngay vì bà không bao giờ có thể nhận một món quà an ủi như vậy. Nhưng khi Ông Obama nói «Nước Mỹ cần bà», lòng yêu nước của bà liền bị kích thích mạnh. Bà lập tức bừng dậy với một đời sống mới mẻ ở một người phụ nữ khác hơn lúc nãy. Bà trả lời chấp nhận. Thế là từ nay, bà dấn thân trọn vẹn, tâm hồn và thể chất, vào nhiệm vụ đại diện nước Mỹ. Trong vòng ba năm qua, bà đã nhiều lần đi vòng quanh thế giới, thăm viếng 91 quốc gia, 282 cuộc hành trình với 1, 1 triệu km chiều dài lộ trình.
Người thì hoan nghênh bà là một thứ “Chào hàng siêu hạng cho nước Mỹ” với thế giới. Kẻ thì không hết dè bỉu cho rằng bà không có một trọng lượng chánh trị nào bởi vì chánh sách đối ngoại của TT Obama là bảo thủ và thận trọng. Chỉ có ông mới đủ thẩm quyền quyết định. Nhưng bà vẫn theo đuổi và khéo léo thi hành. Mỗi lần gặp khó khăn, bà nhớ ngay phương chăm “Không bao giờ khước từ”.
Khi dân chúng Libya nổi loạn lật đổ nhà cầm quyền độc tài, bà lên tiếng ủng hộ chánh nghĩa của phe nổi loạn. TT Obama tỏ ra không nhiệt tình lắm vì ông đang gánh hai cuộc chiến ở Irak và Afghanistan. Bà tìm lời thuyết phục và sau cùng TT Obama thuận theo. Bà đã góp công cho chiến thắng của cách mạng khi Kadhafi buông súng và chạy trốn.
Ngày nay, nụ cười của bà như chưa bao giờ được rạng rỡ như vậy. Người ta phê bình bà ăn mặc không đúng thời trang lắm nhưng bà vẫn cảm thấy rất thoải mái.
Lúc thăm viếng TT Sarkozy, bà bị vướn chiếc giày ở bực thềm Điện Elysée và TT Sarkozy cuối xuống tháo gỡ giúp bà. Hillary cười vui vẻ vừa đùa “Tôi không phải là người hầu của Hoàng cung nhưng ông lại là một hoàng tử dễ thương vô cùng”.
Bà Hillary clinton, lần đầu tiên trong sự nghiệp chánh trị của bà, được mọi người thật sự ngưỡng mộ. Theo kết quả thăm dò dư luận, bà có nhiều ưu thế để thắng cử trong kỳ bầu cử tới nếu bà ra tranh cử. Nhưng bà Hillary Clinton lại nhắm nơi khác. Ông Obama có tái đắc cử, bà cũng sẽ chọn cho bà một đời sống mới. Cuộc đời thứ tư. Đúng vậy. Cuộc đời thứ nhứt là Đệ nhứt phu nhân nước Mỹ, từ năm 1992 tới năm 2000. Cuộc đời thứ nhì làm Thượng Nghị sĩ NY, từ năm 2000 tới năm 2008. Cuộc đời thứ ba là Bộ trưởng Ngoại giao, một Bộ trưởng với thành tích vẻ vang hiếm có từ trước tới giờ.
Ngày mai này, bà sẽ chọn làm gì? Đi diễn thuyết để kiếm hằng triệu đô-la như Cựu Tổng thống Bill Clinton?
Không. Bà Hillary Clinton sẽ dấn thân phục vụ cho niềm ước mơ mà bà từng ấp ủ trong tim, đó là tranh đấu cho Nữ Quyền và cho Quyền Sống trẻ con! .
Từ nay, Bà Hillary Clinton là vị Tổng thống không ngai của nước Mỹ trong sự ngưỡng mộ của mọi người.
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét