Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

TƯỜNG THỤY - BÀI VIẾT HƯỚNG TỚI NGÀY 8/3 - HẰNG ƠI !






Bài viết hướng tới ngày 8/3

HẰNG ƠI !


Tặng Minh Hằng nhân 8/3


Đã đành chẳng có ngày xuân
Giờ thêm cái rét Nàng Bân tràn về
Tôi từng muôn nẻo sơn khê
Nghĩ về em, lại tái tê lòng mình
Đường đi khuất nẻo gập ghềnh
Nơi heo hút gió, ai hành hạ em.


Ở nhà da dẻ thoa kem
Chiếu chăn ấm với nệm êm em nằm
Vào đây thân thể giam cầm
Tóc thưa thêm tóc, da bầm tím da
Cấm gì cấm cả cháo hoa
Ghét nhau chi đến gói quà cũng băm.

Hãy kiên tâm nhé Minh Hằng
Tên em – Trăng Sáng, đêm rằm cũng ghen
Đàn bà chẳng nỡ bon chen
Mà mày râu cũng nhỏ nhen, lạ đời
Hãy can đảm nhé Hằng ơi
“Mùa hoa cải” đã đến rồi, có hay.

Tâm tà còn giáo dục ai
Đã tim xơ cứng lại chai tâm hồn
Ngày hôm ấy, gió, mưa tuôn
Tôi cùng bè bạn quay đường về xuôi
Còn văng vẳng tiếng “Hằng ơi
Một hàng rào thép, ngăn đôi chúng mình.

Tội em là tội biểu tình
Mong cho Tổ quốc yên bình, vậy thôi
Người canh biển đảo xa khơi
Giữ bờ cõi có em tôi góp phần.

4/3/2012
TƯỜNG THỤY


Blog Nguyễn Tường Thụy


***


Lịch sử ngày 8/3



Ngày 8/3, đó là cả một câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8/3 lịch sử. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ. Ngày 8/3/1857, công nhân xưởng may ở New York tuần hành yêu cầu nâng cao chất lượng làm việc: giảm giờ làm và những yêu cầu về quyền lợi cho phụ nữ. Lực lượng biểu tình này đã bị cảnh sát đàn áp. 51 năm sau, 8/3/1908, để kỷ niệm cho sự kiện tháng 3/1857, một cuộc biểu tình của các nữ công nhân Mỹ đòi quyền bầu cử, chấm dứt tình trạng ngược đãi công nhân và bóc lột sức lao động trẻ em cũng bị dập tắt bởi cảnh sát New York.

Năm 1910, một nhà hoạt động xã hội người Đức, Clara Zetkin, đề nghị lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để kỷ niệm những cuộc biểu tình và những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới vì bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

Nhiều sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như cuộc đấu tranh lớn tại Nga vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày 8/3 theo lịch Công giáo, những nữ công nhân đã ồ ạt tấn công khắp các đường phố của Nga. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử.

Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.


****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét