Xuất khẩu lao động Việt Nam: hơn cả buôn ma tuý!
03/20/2012
Lê Diễn Đức
Mấy hôm nay cộng đồng mạng bức xúc trước sự việc mấy chục nữ công nhân Việt Nam ở Malaysia bị bỏ đói.
Tờ The Star của Malaysia ngày 17/3 đưa tin về 42 người phụ nữ Việt Nam (VN) sống tại thành phố George Town, bán đảo Penang, Malaysia, trong một căn nhà 4 phòng, mỗi phòng chỉ đủ chỗ ngủ cho năm người, và tất cả chỉ có một chỗ đi vệ sinh duy nhất. Họ từ VN sang Malaysia lao động nhưng đang không có việc làm, không có tiền gửi về giúp gia đình, một số đã ở Malaysia một năm rưỡi trong khi hộ chiếu đã hết hạn.
Đây không phải lần đầu tiên báo chí nói về cuộc sống bi kịch của công nhân VN lao động ở Malaysia.
Tình trạng lừa gạt, ngược đãi, đuổi việc phi lý của các ông chủ hãng đã làm nhiều công nhân VN tuyệt vọng, có người ốm đau chờ chết, có người bị tai nạn lao động chịu tật nguyền suốt đời…
Tiếp tục ở lại thì sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, về nước càng khổ nhục hơn, bởi vì danh dự thì ít, mà vì nợ nần chưa trả thì nhiều, nên họ nhắm mắt buông xuôi với kiếp sống giang hồ. Nữ công nhân VN làm nghề mại dâm rẻ tiền phổ biến ở Malaysia.
Cách đây ít lâu, tờ Việt Báo có bài "30 công nhân tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi" cho biết hàng chục hộ dân ở Trà Vinh đã kéo đến công ty môi giới, Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh, khóc lóc, van xin công ty giúp đỡ người thân của họ được trở về nước, để thoát khỏi cảnh bị đánh đập, bỏ đói tại Malaysia.
Bài báo cũng cho biết 30 công nhân trên đã từng "hớn hở đăng ký đi sang xứ người", vì "được sự động viên của chính quyền xã". Sau khi được đưa lên thị xã Trà Vinh học 4 tháng ngoại ngữ và luật Malaysia, họ lên Sài Gòn khám sức khỏe và tất cả đều “trúng tuyển”. Trở về nhà, họ vay tiền ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài để có đủ số tiền trang trải các chi phí dịch vụ và vé máy bay. Chia tay người thân vào ngày 28/11/2004, họ hân hoan với hy vọng sẽ có “đô” gửi về giúp gia đình. "Nào ngờ, ngày đầu tiên đặt chân đến Malaysia thì họ mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa", bài báo viết.
Thời chiến tranh chống Mỹ, trong bài “Hành khúc giải phóng” của Lưu Hữu Phước có câu: “Ra đi ước hẹn ngày về thăm quê - Rằng chưa tan hết giặc ta chưa về”, được đổi thành:
“Ra đi ước hẹn ngày về thăm quê
Đời của em tan nát không đường về!”
Xuất khẩu lao động: chính sách xuyên suốt
Tận dụng nạn thất nghiệp ở nông thôn Việt Nam ngày mỗi tăng, tâm lý muốn vượt qua nghèo đói, mong có cơ hội "đổi đời" của hàng triệu người, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đưa xuất khẩu lao động ra nước ngoài thành chính sách xuyên suốt từ nhiều thập niên nay.
Đừng nói chính quyền các cấp của nhà nước CSVN không biết gì về tình cảnh công nhân lao động VN ở nước ngoài, ngược lại, họ biết rất rõ!
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội (LĐTB & XH), hiện có khoảng 500 ngàn lao động VN làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, người lao động tại Đài Loan đứng đầu, tiếp đến là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Macau, Ả rập Xê út, Cộng hòa Síp… Đáng chú ý, trong số 500 ngàn lao động có tới 215 ngàn là lao động nữ, chiếm 50,2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52,9%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 1,10%, thủy sản 0,13%, còn lại là các ngành nghề khác. Đây cũng là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động nhiều hơn so với nam", theo tờ Dân Trí 22/11/2011.
Tờ điện tử ĐCSVN nhận định rằng "trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lao động, nhưng VN vẫn xây dựng được thị trường lao động đa dạng phong phú, hàng năm đưa được số lao động ra nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 3 năm (2006 – 2008) trung bình mỗi năm đưa được hơn 83.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài…".
Ngày 29/11/2006 Quốc hội VN đã thông qua "Luật Người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Điều 5 của luật này xác định "tạo điều kiện thuận lợi để công dân VN có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài" và "bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…”
Thế nhưng, trước những rủi ro, bi kịch trong đời sống, công nhân VN ở nước ngoài không biết kêu cứu ai. Nhà nước, tức là các cơ quan đại diện ngoại giao, thường làm ngơ, đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ LĐTB & XH hoặc đơn vị tuyển dụng trong nước.
Trong khi đó, công nhân VN không được thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình. Còn công đoàn quốc doanh, công cụ của ĐCSVN, nếu không trốn tránh trách nhiệm thì cũng đứng về phía những kẻ bóc lột, không chỉ đối với công nhân VN ở nước ngoài, mà ngay cả với công nhân trong nước làm việc tại các công ty ngoại quốc.
Nhiều năm qua, trong rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, hành hạ ở nước ngoài, công nhân VN nhận được giúp đỡ pháp lý cũng như vật chất chủ yếu từ các cá nhân và các tổ chức từ thiện của người Việt hải ngoại. Nhưng sự giúp đỡ bất vụ lợi, “áo lành đùm áo rách” này cũng bị nhà chức trách CSVN đánh phá ngông cuồng.
Tháng 10 năm 2006, người Việt từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp về thủ đô Warsaw của Ba lan để thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Lao Động VN. Đại sứ quán VN tại Ba Lan đã gửi công hàm phản đối tới chính phủ Ba Lan. Tuy nhiên, hiểu rõ chế độ cộng sản hơn ai hết, chính phủ Ba Lan vẫn đồng ý cho người Việt tổ chức hội nghị tại phòng họp của quốc hội. Lúc bấy giờ luật sư Lê Thị Công Nhân được mời sang tham dự nhưng bị giữ lại sân bay khi xuất cảnh.
Đỗ Thị Minh Hạnh cùng với Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, chỉ vì giúp đỡ dân oan bị cướp đất và bênh vực công nhân lao động mà bị xét xử bất công với bản án nặng nề 7 năm tù.
Tháng 9/2010, Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động tổ chức đại hội tại Malaysia với sự tham gia của chủ tịch công đoàn nước sở tại và nhiều công nhân tới từ các nước. Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch Uỷ ban, đã bị biên phòng Maylaysia giữ tại sân bay Kula Lumpur, không cho nhập cảnh. Ông Thành cho biết lúc đầu phía Malaysia từ chối nêu lý do, nhưng sau khi có sự can thiệp của Đại sứ quán Ba Lan tại Malaysia (ông Thành mang hộ chiếu Ba Lan) thì một sĩ quan biên phòng Malyasia cho biết chính phủ VN đã đề nghị như vậy.
Hãy tạm bỏ qua một bên vấn đề công nhân trong nước, bởi vì nếu được phép thành lập công đoàn độc lập và hoạt động hợp pháp, chắc chắn một Công đoàn Đoàn kết theo mô hình Ba Lan sẽ ra đời với nhiều triệu thành viên. Hà Nội lo sợ trước nguy cơ chế độ có thể bị xoá sổ như tại Ba Lan là điều dễ hiểu.
Nhưng vì sao móng vuốt của Hà Nội kéo dài khắp nơi, thậm chí tận dụng cả quan hệ ngoại giao để ngặn chặn mọi sự giúp đỡ cho công nhân VN lao động ở nước ngoài?
“Làm cho khốc hại chằng qua vì tiền”
Xuất khẩu lao động là cỗ máy in tiền!
Tôi có người bạn học cũ là cán bộ của Vụ Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB & XH và một người quen khác đã từng có công sức quan trọng đưa hàng chục ngàn lao động VN sang Liên Xô, Tiệp Khắc, Bulgaria trong giai đoạn “bốn phương vô sản đều là anh em” và hàng ngàn người khác sang Hàn quốc, Đài Loan, Nhật Bản... vào thời các nhà tư bản xanh và đỏ "liên hiệp lại" bóc lột công nhân.
Qua người bạn và nhờ nhận làm một số dịch vụ giao tiếp, dịch hồ sơ cho người quen muốn thăm dò thị trường lao động Ba Lan, tôi đã tìm ra lời giải chính xác cho bản chất của sự việc.
Xuất khẩu công nhân lao động ở VN được xem là món kinh doanh hơn cả buôn ma tuý. Hơn là vì hợp pháp, vốn bỏ ra không đáng kể, nhưng lợi nhuận không thua kém. Công việc kinh doanh không cần đến học thức, chỉ cần có một số quan hệ đặc biệt với quan chức và biết bôi trơn các mối quan hệ ấy. Tất cả các khâu khác như mặt bằng để tập trung học tiếng hay học nghề, kiểm tra tay nghề đều có thể thuê mướn.
200 ngàn USD là số tiền trả cho giấy phép được làm dịch vụ xuất khẩu lao động kỳ hạn một năm do Bộ LĐTB & XH cấp. Bao nhiêu nộp ngân sách, bao nhiêu vào tay ai thì chỉ có trời hoặc Bộ trưởng biết. Tại sao thời hạn một năm? Một năm là đủ ăn bộn. Phải trình diện để nói chuyện phải quấy cho chuyện làm ăn tiếp. Như thế nào? Tuỳ ở thu nhập năm qua! Không giấu được, vì hợp đồng khung và từng đợt đi cụ thể của công nhân đều phải qua Bộ duyệt.
Tôi làm phép tính số học đơn giản để thấy lợi nhuận của việc kinh doanh này.
Ví dụ tạm lấy mức lương 700 USD/tháng cho một công nhân đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng (ở Nhật Bản hay một số nước tư bản khác có mức lương cao hơn, ở Malaysia ít hơn).
Thông thường, công nhân được đối tác nước ngoài cam kết cho ăn trưa, nơi ở miễn phí và cấp vé máy bay trở về VN khi kết thúc hợp đồng. Trong thực tế thì muôn hình vạn trạng, biến hoá khôn lường. Tiền đã trao và cá đã cắn câu, điều gì xảy ra sau khi công nhân đặt chân đến xứ người là hoàn toàn khác!
Theo quy định chính thức của Bộ LĐTB & XH, công ty môi giới của VN và nước ngoài được hưởng công dịch vụ bằng một tháng lương của người lao động cho một năm làm việc, gọi là “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài”.
Hợp đồng ký với người lao động thường một năm và có thể gia hạn tới ba năm! Như vậy, để được đi, mỗi công nhân phải chấp nhận nộp trước “phí dịch vụ khai thác lao động nước ngoài” cho 3 năm, tức là 700 USD nhân 3 năm, bằng 2.100 USD, nhân 2 môi giới, bằng 4.200 USD. Chỉ với 100 công nhân, hai công ty môi giới sẽ bỏ túi 420 ngàn USD! Với con số ngàn, trăm ngàn công nhân thi sẽ là bao nhiêu?
Khoản thứ nhì. Có một luật bất thành văn mà các bên liên quan gọi là “chi phí ngoài”, nói trắng ra là tiền làm thủ tục chiếu khán nhập cảnh (visa). Công ty môi giới có hối lộ cho đại sứ quán các nước hay không, hoặc nói vống lên để thêm tiền bỏ túi riêng, thì cũng chỉ có... trời biết!
Trong giai đoạn 2007-2008, người ta nói đi Cộng Hoà Czech mỗi công nhân phải trả 2.500 USD cho visa lao động! Sự việc ông đại sứ CH Czech tại VN bị triệu hồi về nước và CH Czech tạm ngưng cấp visa cho công dân VN một thời gian, củng cố thêm sự thật của tin đồn. Cứ cho chi phí hết 1.500 USD, với 100 công nhân, công ty môi giới có thêm vào tài khoản 100 ngàn USD nữa.
Khoản thứ ba mới đáng sợ!
Khi ký kết hợp đồng, công nhân buộc phải thế chấp để ngăn chặn bỏ việc làm. Hầu hết công nhân là những người nghèo (chỉ một số rất ít lợi dụng con đường này để vượt biên hợp pháp) nên phải cầm cố đất, nhà ở, hoặc tiền (tiền thế chấp từ vài ngàn USD, tới 10 ngàn hoặc hơn, tuỳ theo từng nước). Nếu phá vỡ hợp đồng, tiền bạc, tài sản thế chấp sẽ bị mất đứt. Các công ty môi giới và ông chủ ngoại quốc được quyền ăn chia, với cách nói mỹ miều là “tiền bồi thường thiệt hại”!
Như vậy, chưa biết tương lai tròn méo ra sao trên xứ lạ, trước khi lên đường, mỗi công nhân phải gồng mình chịu phí dịch vụ, phí visa và tiền thế chấp. Chưa kể các khoản cho hồ sơ, hộ chiếu, công chứng, khám sức khoẻ, bảo hiểm và thời gian đi lại thực hiện các thủ tục. Ngoài ra, với các khoản thế chấp tại VN, các công ty môi giới có thể dùng vào việc sinh lợi khác.
Đây chính là nguyên nhân cốt lõi vì sao nhà cầm quyền VN lại làm ngơ trước thân phận khốn cùng của người lao động VN ở nước ngoài và ngăn cản giúp đỡ họ.
Những người nghèo khổ đi nước ngoài lao động thực chất bị vứt vào canh bạc chót và chờ vào sự may mắn. Nơi nào ông chủ tốt hoặc nước sở tại có môi trường xã hội văn minh bảo vệ quyền lợi người lao động, thì tuy vất vả nhưng còn thực hiện được một phần mơ ước. Gặp ông chủ bất nhân, chính quyền sở tại làm ngơ, coi như mất trắng và thân tàn ma dại.
Nếu chịu không nổi, đành chịu phá vỡ hợp đồng ra ngoài kiếm sống, thì như đã nói, ông chủ và các công ty môi giới hưởng lợi hợp pháp số tiền bạc và tài sản thế chấp. Vì thế, không loại trừ khả năng các công ty môi giới khuyến khích các ông chủ ngược đãi để công nhân bỏ trốn càng nhiều càng tốt.
Lời kết
Trong thập niên 90 nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”!
Gần đây, với vụ Đoàn văn Vươn ở Tiên Lãng, nhà văn Thuỳ Linh viết: "Thời nay còn hơn cả thổ tả, táng tận lương tâm đến mức có nhiều kẻ chưa thể tiến hóa làm người"!
Lợi dụng lòng yêu nước và sự mù loà kiến thức của công nhân và nông dân lương thiện, những người CSVN đã cướp được chính quyền vào năm 1945 và sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, cảm thấy đã có mọi thứ trong tay, họ trắng trợn trở mặt.
Nhưng dường như còn nhiều người vẫn chưa nhận ra. Nông dân, công nhân không có điều kiện tiếp cận thông tin, ngờ nghệch cả tin, thậm chí vội vã cám ơn khi được Đảng xoa đầu hoặc nhả ra những lời châu ngọc (dối trá) - đã đành, mà trong giới có học cũng vậy.
Thái độ này kéo dài thêm sự tồn tại của hệ thống bất nhân và thân phận bị cai trị, nô lệ của chính mình.
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét