Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

SAO TUI THƯƠNG ỔNG QUÁ !



Sao tui thương ổng quá!


Phạm Diễm Hương




Nhớ lúc tàu vượt biên đụng cái rầm vào bãi đá của bờ biển Mã Lai, vợ chồng con cái mặt mày tái xanh, nín thinh ôm nhau chờ chết. Ai dè đáy thuyền mắc vô cọc đá nhọn, bị sóng đánh dạt qua dạt lại, nhưng tàu không bị bể, không bị sóng cuốn trôi, nhưng bị nước vô. Tình hình rối loạn, mạnh ai nấy chạy, nấy la, nấy khóc. Bọn thanh niên chen lấn nhau nhảy xuống biển vù vù, chỉ còn đàn bà, đàn ông ốm yếu và con nít thất thần nhìn nhau không biết làm sao để ra khỏi tàu.

Ba đứa con như ba con gà con ốm nhách dơ xương ướt nhẹp, nắm chặt mớ tóc rối bời của mẹ khóc nức không thành tiếng. Ông chồng ngồi bên cạnh, líu quíu đứng lên, nhưng đổ nhào, hoảng hồn đưa đôi mắt lo âu sâu hoắm dò hỏi chung quanh. Tui thử đứng lên, hai chân cũng bất khiển dụng, té quẹo bên hông. Mấy người xung quanh hồ nghi và cũng quờ quạng đứng không muốn nổi, thôi... đi bốn chân cho an toàn, ra khỏi tàu rồi tính. Có tiếng la: “Bà con ơi, tàu cặp bến rồi, thấy đất liền rồi.”


Mọi người đang bò lổn ngổn trên sàn tàu, ngừng lại một giây, sau đó bò nhanh hơn về phiá mũi thuyền, nơi phát ra tiếng nói. Trời ơi! nụ cười! Nụ cười hồi sinh tươi còn hơn bông hồng nở. Có bà già vì cười quá mà đôi môi bị khô vì gió và nước biển đã nứt ra chảy máu ròng ròng.  Có tiếng ông chồng tui réo:

-Má con bây bò lẹ lên, ba xuống tới đất rồi nè!

Ủa, ổng mới đó mà đi cách chi lẹ vậy cà? Rê tới biên tàu, tui ráng nhìn xuống, thấy ổng gầy gò đen thui ngồi bẹp sát đất, hai tay đưa lên trời quơ loạn xạ.  Con tàu lại lắc lư tới lui làm cả bọn dồn cục, không dám bò tiếp. Lại có tiếng thúc dục:

-Ráng đi tới mũi thuyền sẽ có người ẵm vô bờ. Ai biết bơi thì nhảy xuống sẽ có người cứu.

Ba đứa con thì hai đứa ngồi trên lưng, một đứa đu trong bụng, bốn má con tui bò tới mũi tàu. Trời ơi, làm sao mà nhảy xuống đây, đứng ở mũi tàu ngó xuống nước ví như đứng ở nhà lầu hai từng ngó xuống vậy. Trong đám người lô nhô ở bãi biển, ông chồng tui đang lết dưới đó và la chói lói: “Ráng lên, má con bây nhảy cái vù xuống, có ba đỡ dưới này!”

Hình ảnh ông chồng hồi nẳm bị trôi sông, may nhờ gió thổi ngược đưa ổng vào bờ, đã làm tui thất kinh hồn vía. Làm sao ổng đỡ được mấy má con? Ổng đứng còn không muốn nổi mà!? Tui liều mạng ẵm ba đưá con nhảy ùm xuống nước. Làm như có mấy người nằm chờ sẵn dưới nước, họ chụp má con tui kéo vô bờ. Ông chồng lết tới khóc như mưa như gió. Lại có tiếng từ bốn phương vọng tới:

-Anh Năm ơi, còn kẹt con tui trên tàu anh Năm ơi, làm ơn nói với mấy ổng cứu giùm!.

Ông chồng tui lẹ làng bò về phía mấy ông lính Mã lai, hổng biết ổng nói cái gì, mấy người lính nhào ra biển bơi về phiá con tàu, ổng phóng theo. Tui đang thất thần thì một cô người Mã Lai tới bồng mấy đứa con tui đi, tui giữ con lại, thì một người mình nói họ đem mấy đứa nhỏ tới trạm xá gần đó đặng khám bịnh và cho uống sữa. Một lát ông chồng tui trở lại, thấy ổng mệt nhừ, nhưng đôi mắt sáng trưng đầy hứng khởi. Tui nói sao tui hổng đứng được, ổng nói ai cũng vậy hết, bị ngồi bó gối quá lâu, bắp thịt cần thời gian phục hồi. Nãy giờ ổng hoạt động, ổng sắp đứng lại được rồi. Ổng nói tui ngồi với mọi người, để ổng đi lo thức ăn và lấy đồ cứu trợ. Thiệt hết biết!.

Một ngày sau, cả tàu được chở về trại tạm cư, nhận giường ngủ, quần áo, thức ăn, nhưng ông chồng tui biệt tăm. Tui muốn tìm ổng nhưng biết đâu mà tìm, tứ bề là biển và người lạ, hỏi thăm mấy người đi chung tàu coi có thấy ổng không, ai cũng lắc đầu.  Tui hỏi mấy người xã hội, cũng không ai biết ổng là ai, tui ghi tên ổng xuống, họ cũng lắc đầu kêu không có ai tên như vậy. Ba đêm, ba ngày không thấy mặt mũi ổng đâu, tui nói với chị cùng phòng:

-Chị Ba coi chỉ dùm tui làm cách nào nhắn ông chồng tui, ổng đi đâu đi mất biệt mấy bữa nay!

-Ừa, phải hỏi coi có ai thấy ổng không? nghe nói có mấy người bơi ra biển cứu người ở một tàu bị cướp, nhưng lại bị sóng cuốn đi…

Người tui nổi gai ốc, tui cầu Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn, tim tui đập liên hồi, đâu thể nào lênh đênh trên biển cả tuần không chết mà lại chết khi tới bến bờ.?

-Ừa, sao chị không nhờ đài phát thanh tìm dùm?

-Bộ có đài phát thanh ở đây sao?

-Ừa, đài ở xế mé phải con dốc lên chùa á, chị không biết hả?

-Tui có biết trời trăng gì đâu, tối ngày nghe cái loa phóng thanh kêu đi ghi tên khám bịnh chích thuốc thôi chớ có nghe đài điếc gì đâu.

-Ừa, đài phát thanh đó, chị tới nhờ mấy người đó coi.

Liền đó tiếng nhạc phát ra từ cái loa treo trên thân cây ở giữa trại. Một chập sau, nghe kêu bà con lên văn phòng nhận hàng cứu trợ. Tui dắt con theo bà con lên văn phòng trưởng trại. Người đâu mà đông như kiến nè trời, tui bương tới trước, nhưng bị đám đông đẩy lùi ra phía sau, khi tới phiên tui lãnh đồ, nhìn lui chỉ còn đâu năm, sáu gia đình người già cả.

Bỗng có tiếng nói từ loa phóng thanh:

-Má sắp nhỏ lãnh đồ chưa, ba có lãnh được một gói nè, chút xíu ba đem về.

Tui dáo dác nhìn quanh, vì đúng là tiếng nói của ổng. Nhưng nhìn không thấy ổng đâu. Tiếng nói lại vang lên:

-Tui đây nè, ở trong đài nè!

Trời ơi, tui mừng muốn chảy nước mắt, cảm ơn Trời Phật đã thương tui. Không biết ổng làm cái gì mà đi mất biệt mấy bữa làm mẹ con tui hú hồn.

Nhìn vô “cái đài” cũng không thấy ổng, tui lấn tới phía trước nói với mấy người phát đồ cứu trợ:

-Cho tui gặp ông nhà tui, ổng ở trong đài kìa.

- Ổng tên gì, tui kêu dùm cho.

Dạ tên Vinh, Đỗ văn Vinh.

-Không có tên đó, tui làm ở trỏng, tui biết mờ!

-Dạ, cái người mới nói trên đài là ổng đó.

-Ông đó là ông Đô, ông Vincent Đô,  ông trưởng trại đó.

Mèn ơi, đúng là giọng của ổng mà, hổng lẽ ổng đổi tên, ổng không muốn nhìn mẹ con tui, ổng muốn làm trưởng trại? Nước mắt tui trào ra, tui tủi thân quá. Lên tới bờ, ổng bỏ mẹ con tui chỏng gọng, ổng lo đi làm trưởng trại đặng nói trên đài. Tui muốn nóng lạnh, tiếng anh tiếng u không rành, ba đứa con, đứa sưng cuống họng, đứa bị gai đâm tay làm mủ, không biết kêu ai.

Tui chán cho thế thái nhơn tình, tui ôm gói đồ cứu trợ, dắt con về phòng. Đầu tui rối như mớ bòng bong: làm sao sống ở xứ người đây, một tay làm sao nuôi đám con cho khôn lớn...

Nước mắt tui chan hoà, tui nấu miếng cơm trong cái ca nhôm, nhờ cái bếp củi của bà già ở giường kế bên. Cơm chín, tui khui hộp cá mòi ăn cho xong bữa, thì có bóng người đi vô, ôm theo bọc đồ tổ chảng:

-Má sắp nhỏ nấu cơm rồi hả? Cho anh một chén đi, mấy bữa rày ăn mì gói khô uống nước lạnh không hà, sót ruột quá. Ờ, có gói đồ cứu trợ anh mang về nè, đồ con nít, má nó lựa ra coi, nghe nói toàn đồ mới không hà.

Tui nhìn ổng ốm nhom, đen thui, mệt mỏi, bất thần tui thương ổng quá, tui bới cho ổng tô cơm tổ chảng, tui mở thêm hộp cá mòi, tui réo sắp nhỏ vô ăn cơm chớ ba tụi bây đói meo rồi cà!. Tui ăn không vô vì mừng, nhưng cũng còn giận ổng đi sao không nói tiếng nào cho tui yên tâm.

Ăn xong ổng lo rửa ca, rửa chén, xách nước giếng cho mẹ con tui rửa mặt, lau mình.

Tối khuya, chờ mấy đứa nhỏ ngủ, tui mới hỏi ổng đi làm chuyện chi, thì cũng nói cho tui một tiếng chớ. Mới nói tới đó, nước mắt trào ra ngăn hổng kịp. Ông ngó tui trân trân rồi ôm tui mà lắc đầu:

-Trời ơi, má bây hổng hiểu tui sao? Lấy nhau có tới 3 mặt con mà má bây còn nhõng nhẽo, hổng chịu hiểu chồng gì ráo trọi. Tui đi lính chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do để đồng bào mình yên ổn làm ăn. Tới khi mất nước, tui bỏ chạy, đem theo vợ con, thay lẽ ở lại sống chết với đồng đội, tui áy náy lắm má bây à! Hồi tàu đụng đá cặp bến, tui biết là gia đình mình sẽ sống, sẽ có tương lai, khi không tui nhớ mấy thằng bạn cùng đơn vị còn kẹt lại, tui buồn quá, nên ai nhờ cái gì làm được, tui làm liền cho khuây khoả. Tui ăn miếng mì gói, tui nhớ tụi nó đang đào khoai mì. Tui nói trên loa phóng thanh, mà nhớ tụi nó đang bị tù tội. Má bây biết không, tui biết chút tiếng Anh, tui nhận làm trại trưởng đặng biết đường mà nói với cao ủy giúp người mình. Chưa gì, thằng Tám tài công trên tàu khai có hai con vợ, ông Bảy đi với thằng con người bạn chớ không phải con ổng, chị Năm Lé muốn ghép hộ với anh Tư vì không có bà con ở ngoại quốc...nhiều chuyện éo le má bây à!. Tui nói sơ sơ cho má bây nghe, đặng thông cảm đừng buồn tui. Tui thương má bây hiền lành chịu đựng tui từ hồi cưới tới giờ, bây giờ má bây cũng vậy, để cho tui làm công chuyện đặng lương tâm không cắn rứt... Thôi, má bây đừng buồn nữa, anh thương má bây hết biết mà!

Nghe ổng nói, nước mắt tui tuôn như suối, tui hiểu chớ sao không hiểu, tui hiểu ổng có gan lớn của người đàn ông ưa làm chuyện nghĩa hiệp. Hồi còn độc thân, ổng hay nhường ngày nghỉ phép cho mấy ông có vợ con, trong đó có ông anh rể tui, bị vậy mà tui thương, bị vậy mà má tui gả tui cho ổng. Lấy vợ rồi ổng cũng tánh nào tật nấy, tui cự thì ổng nói tụi mình chưa có con, thôi nhường cho mấy ổng, tội nghiệp mấy đứa nhỏ nhớ cha. Bị vậy mà tui thương ổng hơn.

Bây giờ vượt biên tới đất sống, ổng làm việc nghĩa, tui đâu có cản, nhưng vì mới tới đất lạ quê người, tui nhớ ông bà già, nhớ gia đình, tủi thân lạc lõng, chớ đâu có trách gì ổng đâu.

Đêm khuya, tui bắt đầu nghe tiếng ngáy nhẹ nhẹ của ổng. Tui nhớ ngày xưa khi ổng xin cưới tui, ổng nói với má tui: “Thưa má, con xin má cho con cưới cô Ba, con hứa với má con sẽ bảo bọc cô Ba, lo lắng cho cô Ba, cô Ba hổng phải đụng tới cái móng chưn và con sẽ sống với cô Ba tới ngày răng long đầu bạc”. Bây giờ, tui chạy theo ổng muốn đứt hơi, tui lo cho ổng từ miếng ăn thức uống mà vẫn thấy như chưa so được với cái tình mà ổng dành cho mọi người, trong đó có tình yêu dành cho tui và sắp nhỏ. Sao tui thương ổng quá!

Ai làm cha mẹ cũng muốn nhìn thấy con sung sướng, nhưng có những cuộc đời coi bộ cực khổ nhưng hạnh phúc dàn trời mây, như cuộc đời của tui. Không biết má tui biết tui bương chải kiểu này, bà già sẽ nghĩ sao?

(PDH 01/12)



Phạm Diễm Hương facebook



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét