Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Huỳnh Thục Vy - Anh ơi! Em xin lỗi!








Huỳnh Thục Vy - Anh ơi! Em xin lỗi!


Huỳnh Thục Vy



Anh ơi,

Em xin lỗi anh.


Em biết rằng em đã làm nhiều người lo lắng cho em, em có lỗi với gia đình và tất cả những người yêu mến em.Từ hôm đi biểu tình bị bắt về công an phường Cô Giang, quận 1 đến lúc lại bị bắt ở Công an phường Tân Quy, quận 7 (Sài Gòn), rồi bị đưa về Quảng Nam em hiểu rằng có nhiều người đã vì thương yêu em mà mất ăn mất ngủ, đặc biệt là những người trong gia đình mình. Những tình cảm đó, những mối ưu tư đó của cô chú bác và bạn bè em không biết cuộc đời mình có dịp để đền đáp hay không?


Nhưng nếu có ai đó em phải xin lỗi trước tiên thì đó là anh. Ba và các cô lo cho em nhưng mọi người đã có nhiều kinh nghiệm khổ đau từ hai mươi năm về trước, khi ba em bị bắt; nên mọi người dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn anh, anh chưa từng đối mặt với cảnh huống như thế. Em xin lỗi anh.


Hôm ngày 1 tháng 7 chúng ta bị đạp, bị nắm tóc lôi lên xe khi tập trung biểu tình ở công viên 30-4, cùng với Minh Đức và Hiếu, anh bị đánh rất nhiều; anh đã hét to: “Các anh có phải người Việt Nam không?” “Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam” trong nước mắt. Em biết từ giây phút đó, anh đã rất hụt hẫng và lần đầu tiên trong đời, tự tâm can, anh đã cảm nhận sống động về sự nhỏ bé, yếu đuối của người dân Việt Nam chúng ta trong chế độ độc tài, cũng như sự tàn ác của công an Cộng sản và sự bất công tột độ trong thể chế này.


Từ trưa ngày 4 tháng 7, sau khi em làm việc với công an phường Tân Quy xong thì em bị giằng khỏi tay anh, bị xô lên xe, chở đi mất tích cho đến khi ngồi viết những dòng này, mình vẫn chưa được gặp nhau vì anh còn ở trong Sài Gòn. Hình ảnh cuối cùng mà em nhìn thấy khi rời khỏi đồn công an phường Tân Quy, Sài Gòn trong tức tưởi là khi anh khóc và nói: “Các anh bắt vợ tôi đi dâu? Các anh định làm gì vợ tôi?”. Khuôn mặt anh thất sắc, xám ngắt và nước mắt chảy ròng. Em có thể cảm nhận rõ nỗi đau khổ mà anh phải chịu đựng, cả con người anh lúc đó là một khối khổ đau.

Em xin lỗi anh, anh ơi…


Cho tới hơn 9h tối ngày 5 tháng 7 (34 giờ đồng hồ sau khi bị bắt ở Tân Quy) em bị an ninh tỉnh Quảng Nam bỏ giữa đường trong đêm tối, phải đi bộ về nhà. Em đã mất tất cả chút tự do còn lại của mình, em đã bị thẩm vấn liên tục, bị đói khát, bị khủng bố tâm lý, nhưng người mà em lo nghĩ nhiều nhất vẫn là anh. Anh đã từng nói với em rằng : “Em là tất cả hạnh phúc mà anh có trong cuộc đời này. Không có em, anh không còn gì cả”. Em hiểu anh cần có em biết bao! Em cũng biết mấy hôm nay anh như người mất hồn khi bị nhiều đe dọa từ những “kẻ lạ mặt côn đồ” rằng chuyến này Huỳnh Thục Vy sẽ hết đời. Tất cả những đau đớn đó, em thấu hiểu cả và… em xin lỗi anh.


Nhưng anh ơi, không có gì trên đời này mà không có nguyên nhân-kết quả và chúng ta biết rằng vạn vật tồn tại trong mối quan hệ tương tác. Nỗi sợ hãi của em đã giảm đi rất nhiều khi em nghĩ về nguyên lý đó. Với mỗi hành động mà chúng ta thực hiện, không sớm thì muộn chúng ta sẽ nhận lãnh phản lực của nó; vì thế chúng ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả của hành động do mình gây ra. Những người cộng sản biết rõ điều đó anh ạ.


Dù bị khủng bố tinh thần và mệt mỏi về thể xác; nhưng anh ơi, niềm tin của em , sự khao khát của em đối với tự do vẫn là cả một nỗi niềm to lớn không dứt. Anh hiểu em mà, phải không anh? Em là đứa không chịu nổi những sự lố bịch, những bất công và sự “chướng tai gai mắt”. Đối với những thứ đó, dù biết mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé và bất toàn, em luôn muốn san phẳng chúng đi.


Ngồi trong đồn công an nhìn ra ô cửa kính, từ đáy lòng mình em đã tưởng nhớ và tri ân bao thế hệ người đã vì Việt Nam này mà lãnh nhận đau khổ, tù đày, thậm chí là cái chết. Dù bị thẩm vấn liên tục, em vẫn cố tạo cho mình những giây phút nghĩ ngơi bằng cách không trả lời những câu hỏi cá nhân hoặc nhưng câu hỏi liên quan đến bạn bè. Chỉ những gì người ta đã biết bằng cách rình rập, nghe lén điện thoại… thì em mới kể cho họ nghe. Những lúc em ngồi nhắm mắt, im lặng và hít thở sâu, em nghĩ rất nhiều về cuộc đấu tranh hôm nay, và em nhớ đến một người anh hùng trong lịch sử : Phó Đức Chính. Ông đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém khi mới 23 tuổi. Nhắc đến ông, chúng ta tự nhiên sẽ thấy bình an hơn, vì những đau khổ mà chúng ta đang chịu đựng làm sao có thể so sánh với sự hy sinh tính mạng của một người đang tuổi xuân xanh?


Không thể so sánh cuộc đấu tranh chống Pháp và cuộc đấu tranh hiện nay, nhưng nhìn vào lịch sử, chúng ta biết rằng “Freedom is not free”, phải không anh? Mọi thứ đều có cái giá của nó. Những ai hy sinh vì điều tốt đẹp, sẽ nhận được hoa quả tốt tươi. Nhưng ai hành động tàn ác, hy sinh nhân tính để bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ nhận lấy những điều tồi tệ do chính mình tạo ra. Đó chính là Công lý anh ạ.


Vì vậy, anh ơi, anh đừng lo lắng, đừng đau khổ. Anh phải mạnh mẽ lên. Chúng ta phải mạnh mẽ lên. Mọi khó khăn còn chưa kết thúc, nhưng chúng ta cũng không đầu hàng.


Em biết rằng chỉ mới có năm ngày nhưng ông chồng 64 kg của em bây giờ đã gầy nhom. Em sẽ bồi dưỡng cho anh. Em sẽ dùng cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như chúng ta sẽ dùng cả cuộc đời này để yêu thương đất nước này.


Nhiều cô chú bác, anh chị em tuy không ở bên chúng ta nhưng họ luôn giúp đỡ và ủng hộ chúng ta. Dù bị an ninh cộng sản tịch thu nhiều thứ mà anh chị em trong gia đình chúng ta đã nhịn ăn nhịn mặt để mua như: hai điện thoại di động, hai laptop; cho đến giờ chúng ta vẫn được bình an vì có mọi người. Chúng ta phải ghi nhớ ân tình đó, anh nhé.


Anh ơi, anh cố gắng lên. Chúng ta còn một lễ cưới phải lo thu xếp. Cả anh và em hãy cùng cầu nguyện nhé. Em tin chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc.


Em đang ở quê chờ anh. Hãy tha lỗi cho em vì đã làm anh phải lo lắng quá nhiều. Em yêu anh.


Vợ của anh

Huỳnh Thục Vy

Tam Kỳ ngày 6 tháng 7 năm 2012


Dân Luận






1 nhận xét:

  1. Chào tác giả blog
    Tôi là Thạnh, sáng lập phong trào Hừng đông dân tộc Việt
    http://thanhniencuuquoc.blogspot.com/
    Muốn làm quen với bạn
    Trân trọng
    Nguyễn Văn Thạnh
    hsmxvn@gmail.com

    Trả lờiXóa