Nhật ký: Biểu tình ôn hòa ngày 8-7 ở Hà Nội
Phóng viên BVN
Ảnh Ba Sàm
Theo lời hiệu triệu trên mạng, tôi đến địa điểm tập trung trước quảng trường Nhà hát lớn từ 7g30. Thời tiết mát mẻ hiếm thấy giữa mùa hạ miền Bắc như báo hiệu một ngày dễ chịu, “ôn hòa”. Nhìn quanh khắp nơi, thấy lác đác nhóm này nhóm kia, nhưng chẳng biết ai là “dân biểu tình”, ai không phải vì tôi không quen nhiều biểu tình viên nên một mình lang thang ngó nghiêng chỗ nọ chỗ kia mãi tới 8h vẫn không thấy động tĩnh gì, đành tìm chỗ ngồi bên cạnh hai người phụ nữ, một già một trẻ. Câu chuyện của họ ngẫu nhiên lạc vào tai tôi, người phụ nữ già nói:
- Phải chuyển mấy cây lộc vừng về không thì chúng nó phá mất.
- Vâng, hôm qua nó cho bọn côn đồ mang 4 khẩu súng ra đấy.
Người trẻ đáp.
- Rõ quân ăn cướp. Nó có cướp được đất, xây được nhà cũng chả có ai mua đâu, người ta đang kêu gọi tẩy chay đấy…
Câu chuyện của họ khiến tôi linh cảm rằng đây là những nông dân Văn Giang. Tôi bèn hỏi:
- Bà và chị ở Văn Giang ạ?
Hai người hồ hởi đáp:
- Vâng, thế bác cũng biết nông dân chúng tôi mất đất ạ?
- Vâng, thật không thể hiểu nổi.
Người phụ nữ trẻ đáp:
- Chúng em mất hết đất, chả có ruộng mà làm, nếu có ruộng thì mẹ làm, con phụ giúp, bắt các cháu làm với mẹ thì chúng nó khỏi hư, nhiều nhà nhận tiền đền bù chả biết làm gì, con cái phá hết, thành ra hư hỏng…
- Sao họ không đàm phán thỏa thuận với dân mà lại dùng côn đồ? – tôi hỏi.
- Ôi dào, nó thay cái áo ra thì thành côn đồ ngay ý mà bác.
Ô hay: “Côn đồ là ai? “Côn đồ là ta / Thay ra cái áo / Hóa ra côn đồ!” – Côn đồ thời nay dễ thật.
* * *
Tôi bỗng thấy trước cửa nhà Hát lớn mấy người (có cả người mặc sắc phục) khiêng một chiếc xe lăn, bên cạnh là bà Hiền Đức tập tễnh. Chợt nghĩ họ tịch thu xe lăn của bà nên tôi vội chạy về phía đó xem sao. Hóa ra không phải. Tôi buột miệng nói: “ Ôi, cháu cứ tưởng họ lấy mất xe của bác”. Người đàn ông đứng cạnh bà Đức hỏi: “Chị cũng đi biểu tình à?” – “Vâng. Tôi vốn chả biết ai với ai, nên người đàn ông này mãi cuối cuộc biểu tình tôi mới biết là một Luật sư nổi tiếng lâu nay: Lê Quốc Quân.
9h45 cuộc “tụ tập đông người” bắt đầu. Mọi người í ới gọi nhau, từ tứ phía, dân chúng ùa về trước thềm Nhà Hát Lớn rất nhanh. Mấy chị nông dân nhào đến ôm bà Hiền Đức gọi: “mẹ”. Bà Hiền Đức dõng dạc đọc Lời tuyên bố của cuộc biểu tình, cuối lời phát biểu không quên nhắc đoàn: ôn hòa, giữ trật tự, giữ vệ sinh chung… Cuộc biểu tình lần này thật đặc biệt: có rất đông nông dân các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên…Thậm chí có cả một số nông dân các tỉnh phía Nam – mà theo quan sát của người viết bài này: họ là lực lượng chính làm nên thành công của cuộc tuần hành sáng nay. Vì: thứ nhất: họ đi rất đông, cũng phải đến vài ba trăm người: đủ các thành phần, già trẻ gái trai. Xúc động nhất là có tới 3, 4 người tàn tật, chân bước khập khiễng, họ phải cơm nắm cơm vắt đi từ tinh mơ, vượt quãng đường cả vài chục km, dũng cảm vượt qua những cái barie ngăn cản để đến được đây; suốt dọc đường tuần hành, họ là những người hô to nhất, tiếng hô của họ sang sảng vang động, họ đi nghiêm túc, nhắc nhau không vứt rác, không văng tục và quan trọng hơn nữa, họ chuẩn bị khá chu đáo: đoàn đi được một đoạn trên đường Tràng Tiền, tôi thấy hai bà già mặc áo nâu, lôi từ trong túi đeo ra một tập biểu ngữ khổ A4, in màu, mỗi biểu ngữ được buộc sẵn một sợi dây để người sử dụng có thể đeo vào cổ. Biểu ngữ lần lượt được phân phát cho mọi người. Tôi đi bên cạnh cũng xin được một tờ: China ! Hands off Vietnam! Tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy hai bà nắn nót cố giữ cho biểu ngữ đeo ở ngực mình không bị nghiêng lệch. Tôi giơ máy định chụp hình hai bà nhưng ở giữa dòng người đông nghịt chật chội nên tiếc là không thể quay trở mà chụp ảnh được.
Ngoài số đông nông dân Văn Giang và một vài nơi khác cùng kéo về Hà Nội thì sinh viên và thanh niên là lực lượng thứ hai làm nên linh hồn của cuộc biểu tình sáng nay. Họ có đến dăm bảy trăm người, hát các bài hát quen thuộc: Dậy mà đi, Lên đàng… và hô vang những khẩu hiệu chống bành trướng làm nức lòng người, gây khí thế cho cả đoàn đông nườm nượp nhìn ngút tầm mắt. Dân chúng cũng không còn thờ ơ được nữa mà hầu như bất kỳ ai, người hai bên phố hay người giao thông trên đường, đều nhìn đoàn biểu tình bằng cái nhìn thân thiện hẳn, có người như còn hô khẩu hiệu đế theo chúng tôi. Nhiều người bị lôi cuốn vào không khí rộn rã của đoàn, nhiều người hồ hởi nhập cuộc. Còn lực lượng “áo xanh áo vàng” được cơ quan nhà nước phái đến “hộ vệ” đoàn giống với thường lệ, nếu trong hơn chục cuộc tuần hành năm ngoái không ở đâu họ không mặt lạnh như tiền thậm chí còn hầm hè như muốn “nuốt sống” những người yêu nước, thì hôm nay, kỳ thay, lại cũng có một vẻ “hiền hòa” “đồng cảm” đến là dễ mến! Xe cảnh sát đi theo đoàn đọc quy định nọ quy định kia đều thấy rõ cái giọng “lịch sự” chừng mực hơn. Bằng chứng là mào đầu luôn luôn có câu: “Thưa bà con…”. Và này nữa mới càng đáng lạ chứ, nội dung lời thông báo có nói đến cả những “hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc” và kết luận của thông báo cũng “ghi nhận lòng yêu nước của người xuống đường”… Tất nhiên ai mà chẳng biết họ chỉ là “bộ máy”, khuôn mặt “hiền” hay “ác” của họ vốn chỉ là phản ánh… sự tính toán của những cấp cao hơn. Bà Hilary Clinton sắp sang thăm Việt Nam mà lúc này lại giở những hành động “hầm hè” ra với người đang xuống đường bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thì… coi sao cho tiện! Thôi nhưng thế đã là thành công rồi. Hãy cứ tin rằng chính quyền đã phải thấy dân thực lòng lo cho vận mệnh của nước, ủng hộ Nhà nước ra Luật biển, sẵn sàng hy sinh vì sự an nguy, vẹn toàn của xã tắc. Có ai có đòi gì cho riêng cá nhân đâu. Toàn những khẩu hiệu: Ủng hộ quốc hội ra Luật biển, Phản đối Trung Hoa gây hấn ở biển Đông, Phản đối Tam Sa ngụy xưng, Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, Bảo vệ ngư dân Việt Nam, Bảo vệ máu thịt Việt Nam…
Tiếng hô sang sảng khuấy động cả một vùng rộng dài suốt từ đầu đến cuối cuộc tuần hành. Không ai mệt mỏi, chểnh mảng trên suốt các chặng hành trình. Đó mới là cảm xúc thật, là lòng dân. Và cái đó thì không bao giờ thay đổi, như sự thay đổi trên khuôn mặt các bác an ninh hôm nay, tôi dám nói chắc như thế.
Đoàn bị chặn lại ở đầu đường Trần Phú. Nhưng không nao núng, tất cả đều kiên nhẫn hướng về phía Sứ quán Trung Hoa, giương cao cờ Tổ quốc, biểu ngữ, dùng hết hơi sức hô mọi khẩu hiệu với hy vọng tiếng hô sẽ vang tới nơi đại diện của nhà nước CHND Trung Hoa kia: Đả đảo bành trướng Bắc Kinh! Một lúc lâu sau, đoàn quay đầu giễu qua các phố: Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, về trước tượng Lý Thái Tổ. Tất cả cùng hát vang nhiều lần bài Nối vòng tay lớn, hô nhiều lần các khẩu hiệu như khẳng định một lần nữa chính kiến, thái độ, tình cảm của người dân Việt yêu quê hương đất nước hình rồng này (tôi muốn gọi đất nước này là đất nước hình rồng – thay vì hình chữ S như vẫn gọi lâu nay). Bởi con cháu rồng tiên ắt sẽ có ngày thái lai nếu chúng ta một lòng đồng tâm, đồng chí.
Lưu luyến mãi nơi sân tượng đài, chẳng ai muốn về. Các khẩu hiệu vẫn được giương lên: “ Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim!” (Phan Bội Châu)
PV BVN
Lưu luyến mãi nơi sân tượng đài, chẳng ai muốn về. Các khẩu hiệu vẫn được giương lên: “ Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim!” (Phan Bội Châu)
PV BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét