Đòi hỏi ngang ngược “đường lưỡi bò” và đối sách hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông hiện đang bị chính các học giả nước này phản đối.
HUỲNH TÂM SÁNG - LÊ THÀNH
(tuanvietnam)
Đâu là lời giải thích hợp lý cho những tuyên bố của các học giả trên khi mà chiêu bài “lộng giả thành chân” của Trung Quốc đang mất dần tác dụng?
Phát triển hòa bình
Những học giả Trung Quốc từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về sự không phù hợp của một chính sách “diều hâu” đối với tranh chấp tại Biển Đông.
Trong bài viết “Sức mạnh mềm luôn tốt hơn chiến tranh biển đảo” đăng trên tờ Global Times vào ngày 28/12/2011, tác giả Sun Zhe đã khẳng định Trung Quốc cần phải hợp tác hơn, mềm dẻo hơn với chính sách của các quốc gia trong khu vực đối với vấn đề tranh chấp biển Đông. Đồng thời, học giả này cũng cảnh báo rằng đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp lãnh hải chỉ đưa Trung Quốc vào thế khó, khi mà những cơ sở pháp lý mà họ đang nắm trong tay cũng như hình ảnh đối với cộng đồng quốc tế đều thiếu tính vững chắc.
Nhiều người xem tấm bản đồ của Trung Quốc in năm 1904 không có Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Trong một bài viết của học giả Chu Hạo – Chuyên viên của Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Bắc Kinh – đăng trên tờ China Daily vào ngày 06/07 vừa rồi, điểm nóng tranh chấp tại Biển Đông đã làm xấu đi hình ảnh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ năm 2010 đến nay.
Trong bối cảnh cả thế giới đang nhìn về Biển Đông với sự trở lại của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương, việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực chỉ làm cho các nước ASEAN nhích lại gần Hoa Kỳ và Phương Tây hơn. Khi đó, mọi nỗ lực về ngoại giao với khu vực Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc đều thất bại, và chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin từ phía các quốc gia này.
Theo như học giả Chu Hạo, hợp tác trong hòa bình và hữu nghị với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã luôn là xu hướng chủ đạo trong chu chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đây là một nhân tố cốt lõi trong quá trình “phát triển hòa bình” của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cùng với làn sóng tinh thần dân tộc ngày càng lên cao, và những mối lo ngại của khu vực đối với một Trung Quốc liên tục hiện đại hóa quân sự, ông Chu Hạo cảnh báo trên China Daily rằng, nếu tiếp tục chính sách ngoại giao pháo hạm, sự phát triển của Trung Quốc sẽ bị cho là mối đe dọa với nhiều nước khác; không tỉnh táo thì “Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung Quốc”.
Đường chữ U: Không chứng cứ pháp lý tin cậy
Một số học giả khác cho rằng đường lưỡi bò chỉ là tuyên bố đơn phương của Trung Quốc mà không hề có cơ sở pháp lý vững chắc.
Các phương tiện truyền thông và các nhà phân tích Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ “đường chín đoạn” lỏng lẻo để tuyên bố rằng Trung Quốc đang sở hữu 2.000.000 km vuông lãnh thổ đại dương, nằm trong “đường chín đoạn” của biển Nam Hải (biển Đông).
Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, cho rằng: “Chúng ta – Trung Quốc vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật.” Nhà nghiên cứu này cũng khẳng định: “Đường chín đoạn (chiếm gần 80% biển Đông) là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974″.
Giáo sư Trương Thự Quang, Đại học Tứ Xuyên, thì nhấn mạnh, Trung Quốc không thể tự vẽ ra đường chín đoạn. Theo giáo sư Trương, khi Trung Quốc khăng khăng đưa ra “đường lưỡi bò” nhưng không có căn cứ để khẳng định và không được bất kỳ nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị: “Quyền lợi của anh (Trung Quốc) cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì anh không có quyền”.
Mặc dù không hiểu rõ về các điều khoản do sự “đầu độc ” về thông tin của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, công chúng nước này nói chung dường như vẫn tin rằng Trung Quốc được hưởng một số quyền lợi độc quyền tại Biển Đông.
Tấm bản đồ của Trung Quốc được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904, trong đó ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Các học giả nước này cũng bất đồng với cách Trung Quốc diễn giải về Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS). Cách diễn giải mơ hồ về quyền tài phán, không đề cập đến các yếu tố địa lý của đường bờ biển hay đường cơ sở là hoàn toàn không thuyết phục.
Giáo sư Sun Zhe, Đại học Thanh Hoa, lưu ý rằng Trung Quốc nên hiểu: “Nam Hải (Biển Đông) không phải là “ao nhà” (internal lake) của Trung Quốc, bởi phần nhiều vùng biển này thuộc về vùng biển quốc tế”.
Ông cũng cảnh báo rằng, với đường lưỡi bò này Trung Quốc có nguy cơ bị cộng đồng thế giới hiểu rằng Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát Biển Đông như một “ao nhà” của chính mình.
Gần đây khi tình hình Biển Đông căng thẳng, biên tập viên Tân Hoa xã Chu Phương, người có uy tín và nổi tiếng thẳng thắn trong làng báo Trung Quốc, đã nhiều lần phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông và yêu cầu xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh vừa dựng lên.
Trong bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng ngày 17/7 ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế…”.
Trước đó, ngày 29/6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”
Đừng làm nghịch lòng người
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn các tùy chọn của việc sử dụng vũ lực ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Xue Li, chuyên gia chiến lược quốc tế Trung Quốc tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhấn mạnh đến các biện pháp hòa bình và tăng cường xây dựng lòng tin để giải quyết tranh chấp thay vì dùng đến các biện pháp quân sự.
Các giáo sư Trung Quốc đã công khai tuyên bố về quan điểm của mình và nhận thức sâu sắc việc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò phi lý là hết sức phi lý, khiến các quốc gia còn lại không thể nào chấp nhận được.
“Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế” – giáo sư Thịnh Hồng thuộc ĐH Sơn Đông nhấn mạnh.
Một số học giả lại có tầm nhìn xa hơn khi cho rằng trong tương lai, các nước láng giềng kinh tế phát triển thì Trung Quốc cũng được hưởng lợi. Vì thế, nhìn vấn đề từ góc độ toàn nhân loại, Trung Quốc cần có quan điểm toàn cục, tiến cùng thời đại.
Zhang Yunling, thuộc CASS, lập luận rằng “Trung Quốc không nên bám víu vào tư duy truyền thống của mình”. Ông đề xuất việc thảo luận về các biện pháp cụ thể để phân định vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển này phù hợp với UNCLOS, trong đó ASEAN sẽ đóng một vai trò phối hợp.
Ngoài ra, Zhang còn cho rằng các bên liên quan luôn luôn có thể khám phá những ý tưởng phát triển chung trong khu vực tranh chấp.
Không may, ý tưởng của Zhang hoàn toàn đi chệch so với quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Rõ ràng, thực tế là hiện nay ngay cả nội bộ Trung Quốc cũng không hoàn toàn đồng tình với Chính phủ nước này và các quan chức quân sự diều hâu
Với những luận điểm chính để bác bỏ lập luận về đường lưỡi bò phi lý, các học giả Trung Quốc đề xuất sử dụng Công ước Luật biển để giải quyết tranh chấp theo tinh thần tôn trọng luật quốc tế, đàm phán hòa bình theo cơ chế song phương hoặc đa phương và tránh sử dụng vũ lực nhằm giảm nguy cơ “biển Đông dậy sóng”.
Từ những tuyên bố của các học giả nổi tiếng Trung Quốc, có thể thấy rằng vẫn còn những người luôn tỉnh táo, tôn trọng lẽ phải và biết rằng “chân lý thuộc về mọi người”. Việc thẳng thắn thừa nhận tính phi lý, ngang ngược của đường chín đoạn của các trí thức Trung Quốc có thể khẳng định: Những gì không tôn trọng sự thật sớm muộn gì cũng như “cây kim trong bọc”. Các tiếng nói yêu chuộng hòa bình, thái độ tôn trọng sự thật, dám bày tỏ chính kiến vẫn không ngừng gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh với bộ phận những người chưa nhận thức đúng đắn về yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc.
…..
Trung Quốc bối rối trước tấm bản đồ cổ
30/07/2012
Thông tin về tấm bản đồ đời nhà Thanh không có Hoàng Sa, Trường Sa do truyền thông Trung Quốc đăng tải thu hút chú ý của dư luận nước này.
Mấy ngày qua, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc liên tục nổ ra tranh luận về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh xuất bản năm 1905. Như các báo Việt Nam đã đưa tin, tấm bản đồ thể hiện rõ biên giới phía nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Đây là một bằng chứng không thể chối cãi, có giá trị lịch sử, pháp lý để phản bác các tuyên bố sai trái lâu nay của Trung Quốc về 2 quần đảo của Việt Nam. Mới đây, tấm bản đồ vừa được TS Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Hán Nôm, trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sau đó, hàng loạt cơ quan truyền thông Trung Quốc, lớn có Đài Phượng Hoàng, mạng tin Sina, nhỏ có báo mạng Stockstar, mạng Tân Lãng, đều đăng lại thông tin về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ.
Theo thống kê, bản tin kèm video của Đài Phượng Hoàng và Sina tường thuật quang cảnh buổi lễ trao tặng nói trên đã thu hút gần nửa triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày. Các báo đài này còn giới thiệu tỉ mỉ về tấm bản đồ cũng như dẫn lời TS Mai Hồng và các chuyên gia, học giả Việt Nam về giá trị, ý nghĩa của nó.
Trong bản tin, Stockstar dùng cả tên Hoàng Sa và Trường Sa thay vì những cách gọi ngụy xưng Tây Sa, Nam Sa.
Đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề trên nhưng các cư dân mạng nước này bàn luận rất sôi nổi. Trên diễn đàn Lt.cjdby.net/thread-1425902-1-1.html, một số người Trung Quốc thừa nhận rằng với nội dung bản đồ như vậy thì đúng là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một số khác vẫn còn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn nữa của Trung Quốc để đối chiếu. Tuy nhiên cũng có một bộ phận ngạo mạn thách thức: “Trên thế giới này có ai dám cùng Trung Quốc chơi lịch sử nào?”. Một số khác cho rằng việc Việt Nam đòi chứng minh chủ quyền bằng bản đồ là “ngụy tạo bắt chước những gì Hàn Quốc từng làm đối với tranh chấp đảo đá Ieodo/Tô Nham Tiêu”…
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ -
Ảnh: Ngô Vương Anh
Bản tin về bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ trên Đài Phượng Hoàng - Ảnh: chụp từ website Phượng Hoàng
Đủ cách “đầu độc”
Sở dĩ vẫn còn những ý kiến mù quáng phản bác một bằng chứng rõ ràng như “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là do chính quyền Trung Quốc trong một thời gian dài đã tiêm nhiễm dư luận về “chủ quyền không thể chối cãi” ở biển Đông. Điều này đã được học giả Lý Lệnh Hoa, chuyên viên Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, nhiều lần chỉ rõ khi khẳng định giáo trình và truyền thông đã khiến người dân hiểu sai về chủ quyền ở biển Đông.
Ngoài tài liệu ngụy tạo, tuyên bố của nhà nước, phát biểu của các học giả, nước này còn tuyên truyền thông qua những phương tiện thu hút rất đông thanh niên, cư dân mạng thiếu hiểu biết như tiểu thuyết trên mạng, trò chơi trực tuyến… Trong đó có tiểu thuyết Chiến tranh biển Đông Trung - Việt của tác giả giấu mặt có nickname Văn Võ 428 đăng trên Readnovel.com và được nhiều diễn đàn khác lấy lại. Hồi tháng 6, Trung Quốc lợi dụng trò chơi trực tuyến World of Tanks để kêu gọi “liên hiệp hành động Nam Hải, bảo vệ chủ quyền” tại biển Đông, quyên tiền của người chơi để tặng cho binh lính đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tung ra trò chơi Bảo vệ đảo Điếu Ngư để kích động về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Lời lẽ trong đó vô cùng hung hăng, hiếu chiến khi quảng cáo là người chơi sẽ “tận hưởng cảm giác tiêu diệt lũ quỷ Nhật xâm lược”.
Lập trang web Tam Sa sai trái
Bất chấp những phản đối gay gắt của quốc tế về việc thành lập phi pháp cái gọi là TP.Tam Sa, Trung Quốc còn leo thang trắng trợn trong việc lập ra vô số trang web thông tin riêng về Tam Sa như Sansha.hinews.cn (thuộc Tập đoàn nhật báo Hải Nam), Hq.xinhuanet.com/sansha (thuộc Tân Hoa xã).
Với hình ảnh đảo Phú Lâm, nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, làm hình nền trang chủ, trang Tam Sa của Tân Hoa xã có nhiều mục như: tin nóng, văn hóa, du lịch, cuộc sống, quan sát, quan điểm, phỏng vấn chuyên đề… Đây là nơi những thông tin tuyên truyền sai trái, những hành động phi pháp của Trung Quốc được phát tán, càng khiến người dân nước này bị “đầu độc” về vấn đề biển Đông. - Ngọc Bi
Tokyo đăng quảng cáo về đảo tranh chấp
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản vừa tìm ra một kênh mới để quảng bá, tuyên truyền cho chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc: quảng cáo. Ngày 27.7, giới chức cho đăng quảng cáo chiếm 2/3 trang trên tờ báo nổi tiếng Wall Street Journal của Mỹ với tựa To the American people from Tokyo, Japan (tạm dịch: Gửi đến người Mỹ từ Tokyo, Nhật Bản).
Trong đó, nội dung cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực ở Senkaku/Điếu Ngư và cảnh báo “Mỹ mất cả Thái Bình Dương nếu không ủng hộ các quốc gia châu Á ứng phó Trung Quốc”. Bài quảng cáo cũng kêu gọi Mỹ ủng hộ kế hoạch của chính quyền Tokyo mua lại 4 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Hồi tháng 4, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara lập quỹ góp tiền mua đảo và tính đến đầu tháng 7, quỹ này đã thu được 16,3 triệu USD, theo AFP. Bắc Kinh chưa có phản ứng về bài quảng cáo trên Wall Street Journal. - Minh Trung
Lucy Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét