Thượng nghị sĩ Jim Webb: việc mở rộng quân sự và mở rộng chính quyền của Trung Quốc xuống biển Đông có thể “vi phạm luật pháp quốc tế”
- Kêu gọi Bộ Ngoại giao làm rõ tình hình
Người dịch: Dương Lệ Chi
25-07-2012
Washington, DC –Thượng nghị sĩ JimWebb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, hôm nay nói rằng các hành động gần đây của Trung Quốc đơn phương khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) có thể vi phạm luật pháp quốc tế. Ông đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình trạng này với Trung Quốc và báo cáo lại cho Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Webb nói trong một bài phát biểu hôm nay ở Thượng viện: “Với các sự trỗi dậy của một phe nào đó ở Trung Quốc có liên quan tới quân đội, Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến hơn. Hôm 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái mà họ gọi là Thành phố Tam Sa, một khu vực cấp quận. Điều này có nghĩa là [họ] đơn phương tạo ra một bộ phận chính phủ từ hư không (ND: không người ở, không đất đai, chỉ toàn là biển) ở một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Thành phố mà họ tạo ra này sẽ quản lý hơn 200 đảo nhỏ, các bãi cát và các rạn san hô bao quanh 2 triệu km vuông nước trên biển. Họ đưa dân đến cư trú và đóng quân ở một hòn đảo để tranh giành chủ quyền, và họ thông báo rằng cơ quan quản lý này sẽ quản lý toàn bộ khu vực đó ở Biển Đông” .
Thượng nghị sĩ Webb là người tài trợ ban đầu cho một nghị quyết mà Thượng viện đã nhất trí thông qua hồi tháng 6 năm 2011, lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông và kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Đông Nam Á một cách hòa bình và đa phương. Ông nói: “Trung Quốc đã từ chối giải quyết những vấn đề này ở một diễn đàn đa phương. Họ tuyên bố rằng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết song phương, với từng nước một. Tại sao? Bởi vì họ có thể thống trị bất cứ nước nào trong khu vực này. Đây là một sự vi phạm, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Trái ngược với các tuyên bố của chính Trung Quốc về việc họ sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để cố gắng phát triển Bộ Quy tắc Ứng xử. Điều này thật là rắc rối. Tôi thúc giục Bộ Ngoại giao làm rõ tình trạng này với Trung Quốc, và cũng [nói rõ] với cơ quan [chính phủ] của chúng ta ngay lập tức“.
Thượng nghị sĩ Webb đã bày tỏ mối quan ngại về các vấn đề chủ quyền trong khu vực này hơn 16 năm qua. Phiên điều trần đầu tiên của ông khi làm chủ tịch giả định của Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ là về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở châu Á hồi tháng 7 năm 2009. Thượng nghị sĩ Webb đã làm việc và đi thăm khắp các khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong hơn bốn thập kỷ qua – với tư cách là một sĩ quan Thủy quân Lục chiến, một nhà kế hoạch về phòng thủ, một nhà báo, một tiểu thuyết gia, một viên chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Hải quân, và một nhà tư vấn kinh doanh.
Một bản sao bài phát biểu của Thượng nghị sĩ Webb ở Thượng viện như sau:
Trong nhiều năm, khá lâu trước khi tôi vào Thượng viện, tôi rất thích làm việc và đi đến khu vực Đông Á với nhiều vai trò khác nhau: là một người lính thủy quân lục chiến ở Okinawa và Việt Nam, là một nhà báo, là một viên chức chính phủ, là một người khách của các chính phủ khác nhau, là một nhà làm phim, và là một nhà tư vấn kinh doanh.
Những gì chúng ta có thể làm trong 5-6 năm qua là để tái tập trung các mối quan tâm của nước ta đến khu vực quan trọng này của thế giới, tôi nghĩ đó là một trong những câu chuyện thành công tuyệt vời về chính sách đối ngoại của chúng ta. Đồng thời, chúng ta phải luôn luôn lưu tâm rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Á và Đông Nam Á là để bảo đảm sự ổn định trong khu vực này. Nếu quý vị nhìn vào bán đảo Triều Tiên, quý vị sẽ thấy rằng trong nhiều thế kỷ đã có một chu kỳ, nơi trung tâm quyền lực chuyển đổi giữa Nhật Bản, Nga, và Trung Quốc. Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà lợi ích địa lý và quyền lực của ba quốc gia này chồng chéo nhau, và nó chồng chéo với bán đảo Triều Tiên ngay ở giữa. Chúng tôi thấy hồi giữa thế kỷ trước, những gì đã xảy ra khi Nhật Bản trở nên quá hiếu chiến ở khu vực này của thế giới. Nhật đã đánh với Nga hồi đầu thập niên 1900. Nhật đã đánh bại họ (Nga). Điều này xảy ra khi họ di chuyển tới Triều Tiên, chiếm đóng Triều Tiên, và chuyển tới Trung Quốc. Điều này cuối cùng dẫn đến sự tham gia của chúng ta trong Đệ Nhị Thế chiến, và kể từ Đệ Nhị Thế chiến, sự hiện diện của chúng ta là để bảo đảm sự ổn định. Chúng ta đã nhìn thấy sự đối đầu – cuộc chiến Triều Tiên, nơi mà chúng ta đã chiến đấu với Trung Quốc, thêm vào là Bắc Triều Tiên, và cuộc chiến Việt Nam, mà tôi đã chiến đấu ở đó.
Nhưng nói chung, các nhà quan sát khu vực này lâu dài – những người như Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu của Singapore – sẽ nói rằng, sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực này cho phép các hệ thống kinh tế phát triển và hệ thống chính phủ hiện đại hóa. Chúng ta là nước bảo đảm sự ổn định tuyệt vời. Khó khăn mà chúng ta đã và đang đối mặt trong 10-12 năm qua là làm thế nào đối phó với sự tăng trưởng kinh tế và quốc tế của Trung Quốc trong khu vực này. Trước khi Trung Quốc mở rộng, chúng ta đã nhìn thấy sự xuất hiện trở lại của Liên Xô. Khi tôi còn ở Lầu Năm Góc hồi thập niên 1980, đã nhận ra rằng Nga mơ ước có cảng nước ấm ở Thái Bình Dương. Hàng ngày, họ có khoảng 20-25 tàu ở Vịnh Cam Ranh, Việt Nam, là kết quả cuối cùng của chiến tranh Việt Nam. Nhưng trong 10-12 năm qua, thách thức đối với chúng ta là phát triển loại quan hệ thích hợp với Trung Quốc để chúng ta có thể thừa nhận sự phát triển của họ như là một quốc gia, nhưng duy trì sự ổn định thì rất quan trọng trong khu vực này của trên thế giới.
Có nhiều điều phiền toái trong những năm gần đây. Đã có một số vấn đề ở biển Đông mà trong một thời gian dài, các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta đơn giản cho là những tham gia về chiến thuật – nơi các tàu hải quân Trung Quốc và các tàu đánh cá tham gia vào các cuộc tranh cãi vặt với Philippines ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và ở quần đảo Senkaku, gần Nhật Bản – nhưng càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn về những gì mà chúng ta đang thấy là các vấn đề chủ quyền. Người dân đã nói nhiều năm về việc giải quyết vấn đề chủ quyền ở Đài Loan, nhưng rõ ràng rằng – Tôi đã nói về điều này nhiều năm rồi – có những vấn đề về chủ quyền khác. Một khi vấn đề Đài Loan được giải quyết, có quần đảo Senkaku, mà cả hai nước Nhật và Trung Quốc đều đòi chủ quyền, quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc và Việt Nam đòi chủ quyền, quần đảo Trường Sa có năm nước khác nhau tuyên bố chủ quyền, gồm có Trung Quốc và Philippines. Cho nên chúng ta bắt đầu nhìn thấy một sự trỗi dậy của các sự cố đã trở thành đối đầu quân sự trong vài năm qua. Ngoại trưởng của chúng ta đã thấy rất rõ hai năm trước, hầu như đến ngày mà những tình huống không chỉ đơn giản là những chuyện của châu Á, mà là lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ để giải quyết một cách hòa bình và đa phương.
Chúng ta đã tranh đấu ở Ủy ban Đối ngoại để cố gắng thông qua Hiệp ước Luật Biển (ND: Công ước LHQ về Luật Biển) để giải quyết các loại sự cố này, điều mà không chỉ là các sự cố an ninh, mà chúng còn liên quan đến khả năng về một số lượng lớn tài sản ở khu vực này của thế giới. Chúng ta đã gặp nhiều khó khăn để thông qua Hiệp ước Luật Biển, nơi mà hầu hết các nước trên thế giới công nhận các nguyên tắc cơ bản về việc làm thế nào để giải quyết những vấn đề quốc tế này thông qua sự tham gia đa phương. Thiếu vắng Hiệp ước Luật Biển – và tôi nghĩ rằng với sự trỗi dậy của một phe nhóm nhất định nào đó của Trung Quốc liên kết với quân đội của họ – Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến hơn. Tháng vừa qua rất là phiền toái. Hôm 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái mà họ gọi là Thành phố Tam Sa, một khu vực cấp quận. Điều này có nghĩa là [họ] đơn phương tạo ra một cơ quan Chính phủ từ hư không [ND: không người ở, không đất đai…] ở một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hôm thứ sáu ngày 13 tháng 7, do bất đồng trong việc nhận diện tình hình Biển Đông như thế nào, Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), một tổ chức gồm 10 quốc gia đã rất sẵn sàng trong việc cố gắng giải quyết các vấn đề này, đã thất bại trong việc ra thông cáo về một giải pháp đa phương cho các vấn đề ở Biển Đông.
Ngày 22 tháng 7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã công bố việc triển khai một đơn vị đồn trú của các binh sĩ tới các đảo trong khu vực này. Lệnh đồn trú có khả năng sẽ được đặt ở quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 23 tháng 7, Trung Quốc chính thức bắt đầu thực hiện quyết định này. Họ thông báo rằng 45 nhà lập pháp hiện cai quản khoảng một ngàn người đang chiếm đóng các đảo này. Họ đã bầu một thị trưởng và một phó thị trưởng. Họ đã công bố 15 ủy viên Ban Thường vụ sẽ điều hành quận này. Họ thông báo rằng, thành phố mà họ đang tạo ra sẽ quản lý hơn 200 đảo nhỏ, các bãi cát, và các rạn san hô bao quanh 2 triệu km vuông nước trên biển. Họ đưa dân đến cư trú và đóng quân ở một hòn đảo để tranh giành chủ quyền, và họ thông báo rằng cơ quan quản lý này sẽ quản lý toàn bộ khu vực đó ở Biển Đông.
Trung Quốc đã từ chối giải quyết những vấn đề này ở một diễn đàn đa phương. Họ tuyên bố rằng những vấn đề này sẽ chỉ được giải quyết song phương, với từng nước một. Tại sao? Bởi vì họ có thể thống trị bất cứ nước nào trong khu vực này. Đây là một sự vi phạm, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Trái ngược với các tuyên bố của chính Trung Quốc về việc họ sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN để cố gắng phát triển Bộ Quy tắc Ứng xử. Điều này rất là rắc rối. Tôi đề nghị Bộ Ngoại giao làm rõ tình trạng này với Trung Quốc, và cũng [nói rõ] với cơ quan [chính phủ] của chúng ta ngay lập tức” .
Nguồn: Jim Webb ; basamnews
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét