Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?



Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?




2015-10-29

Tại sao phải giết Tổng thống Ngô Đình Diệm?  Phần âm thanh Tải xuống âm thanh





TT Ngo Dinh Diem.jpg
Tổng thống Ngô Đình Diệm tại Washington DC tháng 8 năm 1957.
Courtesy U.S. Air Force




Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đưa đất nước Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử. Cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu, những tướng lãnh tham gia cuộc đảo chánh không ai biết người ra lệnh thủ tiêu hai ông là ai nhưng sau khi tro bụi của cuộc cách mạng lắng xuống những gương mặt đứng phía sau giật dây cho cuộc tàn sát ấy bắt đầu được điểm danh và lịch sử luôn công bằng cho từng người một.


Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, một nhân chứng lịch sử, một người bạn, người cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu tiên khi từ Mỹ trở về Việt Nam chấp chính cho tới khi biến cố xảy ra.


Cái tốt và chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa



Mặc Lâm: Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Ngày 1 tháng 11 hàng năm có lẽ ai theo dõi tình hình Việt Nam trong lịch sử đương đại đều nhớ là ngày mà cuộc đảo chính không những lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn giết cả hai anh em ông ấy tại Sài gòn vào năm 1963. Ông có nhận đình gì về ngày lịch sử này thưa ông?


Bùi Kiến Thành: Có lẽ cũng là một ngày chúng ta nên ôn lại cái được và cái chưa được cái tốt và cái chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa để chúng ta rút bài học.


Mặc Lâm: Vâng, trước khi đi sâu hơn vào chi tiết xin ông vui lòng cho biết về mối quan hệ của ông với Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Bùi Kiến Thành: Trong khi tôi học ở Columbia vào những năm 1952 cho tới năm 1954 lúc đó thì chí sĩ Ngô Đình Diệm đang ở New Jersey. Cứ mỗi cuối tuần thì ông qua New York thăm chơi với tôi cùng một anh bạn nữa là anh Bùi Công Văn, ảnh là phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Cứ tối thứ Bảy thì ông qua ngồi nói chuyện suốt đêm cho tới sáng Chủ Nhật thì ông đi lễ, đi lễ về rồi lại nói chuyện suốt ngày, tới chiều Chúa Nhật thì ông trở lại tu viện Maryknoll.


Chúng tôi sống với nhau trong cảnh bạn cố tri trao đổi như thế trong suốt gần hai năm tại New York trước khi ông Diệm về bên Pháp và sau đó về làm Thủ tướng chánh phủ.


Sau khi ông Diệm về làm Thủ tướng chính phủ chấp chánh vào ngày mùng 7 tháng 7 thì ông Diệm gửi điện qua New York và Washington yêu cầu tôi trở về để giúp đỡ. Ngày 23 tháng 8 năm 1954 sáu anh em chúng tôi là cựu sinh viên của các đại học Mỹ về giúp cho ông Diệm trong thời kỳ rất là khó khăn. Làm Thủ tướng mà không có cảnh sát không có quân đội chỉ vỏn vẹn có 27 sĩ quan đi theo mà thôi.



“Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông
Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm
đi, đó là vấn đề cốt lõi chứ không phải do bà Nhu
thế này thế khác. Bà Nhu gây ra nhiều tai tiếng,
nhưng không có vai trò chánh hay lý do chánh làm
sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.”
-Bùi Kiến Thành



Cả một đất nước do Pháp đang cai trị vì vậy khi nắm lại quyền tự do, quyền tự chủ, quyền độc lập trong thời kỳ đó rất là khó khăn vì vậy chúng ta phải đánh giá cao việc ông Diệm bình định được tình hình, đưa quân Pháp ra khỏi nước Việt Nam một cách ổn định và xây dựng nền đệ nhất cộng hòa. Điều này khi nghiên cứu lịch sử và đánh giá cao tinh thần của cả một thời kỳ không riêng gì ông Diệm mà những người đi theo hỗ trợ giúp đỡ cho ông Diệm, những nhân sĩ ở miền Nam, nhân sĩ ở miền Trung, miền Bắc… tất cả đều có công lớn đã xây dựng chế độ đệ nhất cộng hòa, nhưng rất tiếc rằng sau đó chúng ta không làm được những chuyện ta cần phải làm để đến nỗi bị đổ vỡ.


Mặc Lâm: Thưa ông trong khi gần gũi với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ông và các người được Thủ tướng mời về cụ thể làm những việc gì để giúp cho chính phủ còn non nớt lúc ấy?


Bùi Kiến Thành: Tôi bên cạnh ông Diệm suốt ngày mà! Khi tôi về tại Dinh Gia Long ngày 23 tháng 8 đó ăn cơm trưa với ông Diệm và một số Bộ trưởng, Tổng trưởng, có những nhân hào nổi tiếng của Việt Nam như ông Phạm Duy Khiêm, Bác sĩ Bùi Kiến Tín, Nguyễn Văn Châu… chúng tôi hết sức khẩn thiết làm bất cứ việc gì để ổn định tình thế, tôi ở suốt ngày suốt đêm trong dinh một thời gian rồi sau đó tôi mới dời ra ngoài. Sau khi bố trí lại thì ngày nào đêm nào tôi cũng vào trong dinh để mà làm việc với Thủ Tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Một là bên Dinh Gia Long, sau nữa khi dời sang Dinh Độc Lập tôi cũng sát cùng ông Diệm như một cộng sự đặc biệt vì cái chỗ thân tình từ khi còn nhỏ kia, khi tôi mới 15-16 tuổi, hồi đó gia đình tôi thân với ông Diệm lắm. Chính ông cụ tôi đã cất giấu ông Diệm trong khi bị Nhật tìm bắt ông. Sau này khi không còn tham chính nữa ông cụ tôi tiếp tục làm y sĩ riêng cho Tổng Thông đến ngay ông ấy bị sát hai. Cái thân tình ấy dẫn tới chỗ hết sức gần với nhau. Tất cả những chuyện thâm cung bí sử, khó khăn trong thời kỳ tháng 8 tháng 9 tới tháng 12 năm 1954 thì thật sự hội lại chỉ có 4 người trong Dinh Gia Long thôi: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Bác sĩ Bùi Kiến Tín và Bùi Kiến Thành. Chúng tôi bàn với nhau cái gì cần phải làm. Làm sao nắm được quân đội, làm sao đối kháng với Bình Xuyên, làm sao giải tỏa được thành phố Sài Gòn xây dựng lên một chính quyền được nhân dân ủng hộ.


Riêng về tôi đặc biệt là có trách nhiệm giúp cho Tổng thống, khi ấy là Thủ tướng, quan hệ với các phái bộ đặc biệt của Mỹ từ bên Mỹ gửi qua chứ không phải quan hệ với sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thân với Pháp, ông đại sứ Mỹ Donald Heath rất thân với Pháp, sau đó thì Lawton Collins cũng thân với ông Cao Ủy Pháp Paul Ely. Công việc của tôi và của ông Ngô Đình Nhu là bắc cây cầu trực tiếp với chính phủ Mỹ ở Washington, qua những phái bộ đặc biệt của Hoa Kỳ gửi qua trong đó có Trung tướng O’Daniel, Đại tá Lansdale sau này là General Lansdal, Paul Hardwood (Trưởng phái bộ CIA), việc của tôi làm lúc ấy cũng chỉ trong 4 người mà thôi bao nhiêu là công việc hết sức khó khăn.


Xây dựng được tờ báo Tự Do là việc tôi hết sức thú vị. Tôi nói với Thủ tướng mình cần có cơ quan ngôn luận tự do. Tờ báo đó được Bác sĩ Bùi Kiến Tín, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Thông tin, ký giấy phép. Tôi tập hợp những nhân sĩ ở Bắc Hà vào làm trong đó có Tam Lang, có Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong, Vũ Khắc Khoan …làm ban biên tập để cho tờ báo Tự do có tiếng nói tự do trong thời kỳ hết sức khó khăn như thế. Chỉ có tờ báo Tự do lúc ấy là thực sự nổi tiếng, có tiếng nói tự do trong một khung cảnh rất khó khăn và để chống lại những tờ báo thiên Pháp hay thân các chế dộ trước kia của Sàigon và những đài phát thanh khi đó tại Sài Gòn theo phe quân đội chửi bới Ngô Đình Diệm suốt ngày. Tôi có nhiệm vụ lập nên đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, một đài phát thanh đặc biệt để nói lên những sự việc như thế nào trong khi chúng ta phải xây dựng một chính quyền độc lập đó là việc Thủ tướng Ngô Đình Diệm giao cho tôi làm.




Ngo_Dinh_Diem_at_Washington_-_ARC_542189-400.jpg
TT Ngô Đình Diệm bắt tay với Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, tại sân bay Dulles, Washington DC năm 1957. Courtesy U.S. Air Force.




Mặc Lâm: Xin ông nói rõ hơn tại sao đã là thủ tướng mà còn bị đài phát thanh bên quân đội chống phá bằng cách chửi bới công khai như ông vừa nói, phải chăng còn một thế lực nào công khai chống lại Thủ tướng vào lúc sơ khai ấy hay không?


Bùi Kiến Thành: Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc ấy làm gì có quân? Thủ tướng mà không nắm cảnh sát, công an. Công an trong tay của Bình Xuyên là một đám giang hồ, cướp của. Pháp cho họ quản lý sòng bạc Đại thế giới, Kim Chung… Cảnh sát thì không nắm được còn quân đội thì trong tay của Trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Trung tướng Hinh là một người thân Pháp con của ông Nguyễn Văn Tâm, không phải là người ủng hộ cho chính phủ Ngô Đình Diệm vì vậy khi làm Thủ tướng ông Ngô Đình Diệm ngồi trong dinh nhưng cái đài phát thanh là của người khác.


Đài Quốc gia cũng như đài quân đội thì người Pháp, hay thân Pháp, quản lý cứ mỗi ngày chửi bới Ngô Đình Diệm thế này, chửi bới Ngô Đình Diệm thế kia…ngồi trong dinh mà không giải quyết được vấn đề đó vì vậy phải kiên trì xây dựng lực lượng mình lên để giải quyết điều đó.


Xây dựng lực lượng bằng cách thu dụng những nhân sĩ tài ba của đất nước vào ủng hộ mình đồng thời cũng phải có tiếng nói qua cái đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, tiếng nói qua tờ báo Tự Do lúc đó đóng một vai trò quan trọng phổ biến tâm tư nguyện vọng, chính sách của Ngô Đình Diệm cho dân chúng được biết. Vấn đề đó cực kỳ quan trọng và tôi được giao trọng trách tổ chức hai việc đó trong những ngày đen tối nhất sau khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, tức là những ngày trong tháng 8 tháng 9 năm 1954 cho tới đầu năm 1955 khi bình định xong thì trong hai cơ quan đó, “Đài Tiếng nói quốc dân đoàn kết” không tiếp tục nữa nhưng tờ báo Tự Do vẫn tiếp tục rất tốt. Tờ Tự Do là nguồn dư luận rất tốt trong thời kỳ đó, trong chánh thể đệ nhất cộng hòa.


Không có tổ chức chính trị nồng cốt




Mặc Lâm: Báo chí quốc tế cũng như giới tướng lãnh đa số cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ bởi những tuyên bố gây sự giận dữ trong và ngoài nước của bà Ngô Đình Nhu cùng với những hành động đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông có chia sẻ gì về việc này?


Bùi Kiến Thành: Đấy chỉ là một phần thôi thực sự ra chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ còn nhiều vấn đề cốt lõi hơn nữa. Ông Ngô Đình Diệm là một người hết sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm không có kinh nghiệm tổ chức. Còn ông Nhu thì rất uyên thâm về vấn đề học thuật, ông học rất giỏi về tổ chức thư viện, ông nghiên cứu rất tốt nhưng không có tài năng tổ chức lực lượng chính trị. Nếu quản lý một nhà nước mà không có tổ chức thì làm sao? Vì vậy cho nên cái Đảng Cần lao của ông Nhu không có tổ chức tốt còn cái “Phong trào cách mạng quốc gia” mà ông Bác sĩ Tín làm chủ tịch sáng lập thì nó cũng chỉ là phong trào thôi. Sau một phong trào rồi thì nó lặng im. Quyền chính trị trong nước là ở trong đảng, mà Đảng Cần Lao không được tổ chức tốt vì vậy cho nên chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại được vì không có tổ chức chính trị nồng cốt để làm việc.



“Đấy chỉ là một phần thôi thực sự ra chính quyền
Ngô Đình Diệm sụp đổ còn nhiều vấn đề cốt lõi
hơn nữa. Ông Ngô Đình Diệm là một người hết
sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm
không có kinh nghiệm tổ chức.”
-Bùi Kiến Thành



Sau nữa còn có cái lỗi ở chỗ lầm lẫn hai việc khác nhau: quản lý các vấn đề nhà nước là việc quản lý hành chính, còn tổ chức nồng cốt do một chính đảng đứng lên để đóng vai trò cột trụ cho một đất nước thì là một việc khác. Do lầm lẫn ở vai trò lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính cho nên chế độ Ngô Đình Diệm tập trung nhiều hơn về vấn đề hành chính mà quên đi vấn đề lãnh đạo chính trị, xây dựng nồng cốt tức là sự ủng hộ của nhân dân, làm sao để vấn đề đảng được nhân dân ủng hộ…


Chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được, không xây dựng được một đảng chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân vì vậy cho nên không đứng vững được và vì thế có thể nói sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm không phải là vấn đề nhỏ bé như chuyện bà Nhu nói cái này cái kia. Có! nó có ảnh hưởng nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ đối với khả năng xây dựng nên một chính đảng mạnh thì chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được.


Mặc Lâm: Vậy phải chăng do điều mà người ta nhận xét về ông Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến ông bị người Mỹ lo sợ vì không theo sự dẫn dắt của họ, đặc biệt là khi Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam thưa ông?


Bùi Kiến Thành: Khi Mỹ muốn vào Việt Nam năm 1962 ông Diệm nói với người Mỹ rằng các ông nên nhớ trên đất nước tôi trong 4 nghìn năm lịch sử không có một chế độ nào đi theo quân đội nước ngoài mà có thể được nhân dân ủng hộ. Vì vậy ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này chúng tôi sẽ mất chính nghĩa, mà khi mất chính nghĩa thì các ông không thể nào thắng được và chúng tôi cũng phải thua theo. Vì vậy ngày nào quân Mỹ đổ bộ lên đất nước này thì kể như ngày đó chính nghĩa Việt Nam đã mất rồi, chúng tôi không thể chấp nhận được.


Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm đi, đó là vấn đề cốt lõi chứ không phải do bà Nhu thế này thế khác. Bà Nhu gây ra nhiều tai tiếng, nhưng không có vai trò chánh hay lý do chánh làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.


Mặc Lâm: Thưa ông, một câu hỏi cho tới ngày nay vẫn nằm trong bí mật, ông thân cận với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên có lẽ hiểu được phần nào câu trả lời: ai ra lệnh giết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và tại sao phải giết họ khi đã nắm tất cả quân đội trong tay và họ đã bị bắt?


Bùi Kiến Thành: Tôi không có thông tin chính xác để nói về vấn đề này nhưng suy luận từ một lần đảo chính trước do Nguyễn Chánh Thi chủ mưu ông Diệm đã lập lại ván cờ bằng cách chỉnh đốn lại, thì lần này Dương Văn Minh và những người theo Dương Văn Minh nghĩ rằng khả năng ông Nhu ông Diệm có đủ bản lĩnh và đủ sự ủng hộ của những quân đoàn còn theo ông ta để lập lại thế cờ thì rất khó khăn cho phe đảo chính. Vì vậy người ta không chấp nhận để cho ông Diệm ông Nhu tồn tại để mà có cái rủi ro đấy. Tôi không có thông tin ai là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm nhưng tôi chắc chắn rằng những người theo phe đảo chánh và nhất là phía Mỹ, thấy nguy cơ Ngô Đình Diệm có thể lập lại thế cờ rất là nguy hiểm vì vậy không để cho Ngô Đình Diệm sống. Đấy là quyết định chính trị chiến lược trong tranh đấu chứ không phải ai làm, hay ai ra lệnh không quan trọng, vấn đề phải tiêu diệt anh em ông Ngô Đình Diệm là để tránh nguy cơ bị lật trở lại.


Mặc Lâm: Trong ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 ông đang làm gì và có theo dõi hay tham gia trong một vai trò nào đó hay không?


Bùi Kiến Thành: Hôm đó tôi đang đi làm việc ở ngoài thì nghe phong phanh ngày hôm đó có bạo động. Tôi gọi về trong dinh thì gặp ông già Ẩn, tức là cận vệ của Tổng thống tôi hỏi anh Ẩn hiện giờ có vấn đề gì không vậy? tôi nghe ngoài này xào xáo lắm, thì ông Ẩn trả lời không có vấn đề gì đâu anh Thành ơi, mình hoàn toàn kiểm soát được mọi chuyện!


Đó là một cái chủ quan đầu tiên tại vì trong buổi sáng hôm ấy ông Nhu đã có sắp xếp một số chiến lược, chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề bạo động nhưng vì chủ quan nên không thực hiện được. Tôi nói với ông Ẩn: coi chừng nhé nếu cần gì thì tôi vào trong dinh ngay để giúp cho các anh. Ông Ẩn nói không sao đâu anh Thành, nên tôi về nhà ăn cơm trưa và chờ cho tới hai ba giờ chiều không thấy gì xảy ra. Nhưng khoảng ba bốn giờ chiều tôi gọi lại thì tình hình bế tắc hết tôi không còn làm gì được nữa.


Ngày hôm đó tôi ở Sài Gòn, tôi muốn làm một cái gì đó để giúp đem lại trật tự an ninh nhưng mà cái thời thế có lẽ như là định mệnh của đất nước mình không cho mình làm gì được trong lúc ấy. Có làm gì được nữa trong lúc ấy khi thế lực của kẻ chủ mưu là người Mỹ đứng sau lưng những ông tướng của mình? thế lực ấy nó quá mạnh chúng ta không làm gì được.


Việc đảo chánh ông Ngô Đình Diệm không phải là chuyện của Dương Văn Minh, Dương Văn Minh chỉ là một con cờ thôi, cũng như Trần Văn Đỗ cũng như mấy ông kia củng chỉ là con cờ còn người chỉ huy, đưa ra tất cả những chiến thuật chiến lược để làm việc này. là người Mỹ mà người đại diện cho Mỹ làm việc này là đại tá Conein, ngồi thường trực tại Bộ Tổng tham mưu để điều khiển mấy ông tướng kia thành ra tất cả bộ tham mưu lúc đó nghe theo lời của một anh đại tá mật vụ của Mỹ, anh thấy có đau khổ chưa?


Mặc Lâm: Theo ông thì tại sao các tướng lĩnh lúc ấy lại nghe theo người Mỹ? Vì những hứa hẹn quyền lực hay âm mưu chính trị nào khiến họ trở thành như vậy?


Bùi Kiến Thành: Do những ông tướng không nghiên cứu tình hình đất nước, do không hiểu lý tưởng, không hiểu được chính nghĩa như thế nào mà đi theo lời của nước ngoài để mà sát hại một tổng thống, tưởng mình làm được cái gì nhưng cuối cùng cũng đầu hàng cộng sản mà thôi chứ làm được gì đâu.


Cái tội của những anh đảo chính Ngô Đình Diệm là tội ngu dốt không biết tình hình kinh tế, tình hình chính trị, tình hình chiến lược trên thế giới nó như thế nào, họ làm cái việc tự mình sát hại mình, đi đến chỗ 10 năm sau phải chắp tay đầu hàng cộng sản.


Đấy là cái tội của các anh làm cho bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải chết, đó là tội của các anh vì các anh không hiểu gì về chính trị, hữu dũng vô mưu, đưa đất nước đến chỗ suy tàn.


Nếu chúng ta có cơ hội thì còn thương lượng được giữa miền Bắc với miền Nam, cũng như Tây Đức và Đông Đức có thể thương lượng với nhau.


Chúng ta phải có nội lực có sức mạnh để mà thương lượng chứ không phải giao đất nước cho ngoại bang, giao cho Mỹ rồi đi đến chỗ chết.


Đó là tội của những người tự cho mình giỏi hơn người khác. Không thể nào một dân tộc một đất nước nào giữ được chính nghĩa của mình bằng cách bước theo những đội quân nước ngoài bắn phá làng xóm cả. Không thấy cái đó là mất chính nghĩa. Đầu óc các anh ở đâu mà anh vác súng đi theo người Mỹ vào trong làng xóm bắn giết dân chúng mình, như vậy là không thể được. Vì không thấy nên anh làm hại cả một thế hệ, làm hại cả một đất nước.

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Nguyễn Văn Tuấn - Buồn cười về giải Hoà Bình Khổng Tử



Nguyễn Văn Tuấn - Buồn cười về giải Hoà Bình Khổng Tử





Nghĩ thật buồn cười về cái giải thưởng gọi là "Confucius Peace Prize" (CPP, Giải thưởng Hoà bình Khổng Tử) của mấy ông bà Tàu cộng. Muốn cạnh tranh với Giải Nobel Hoà Bình của Na Uy và muốn tạo quyền lực mềm, Tàu sáng chế ra cái gọi là CPP để trao cho những người ... họ thích. Năm nay Tàu trao giải thưởng CPP cho [chờ một chút, và các bạn phải bình tĩnh ...] Robert Mugabe, một kẻ giết người ghê tởm ở Phi châu! Nhưng câu chuyện không dừng ở đó, mà nó còn mang màu sắc hài hước hơn…



Robert Mugabe.jpg
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe



Vui nhất là sau khi nhận được tin, Mugabe đã thẳng thừng từ chối giải CPP của Tàu cộng. Thật là muối mặt cho mấy ông bà Tàu muốn làm trò. Từ chối giải Nobel Hoà Bình có thể xem là dại dột, nhưng từ chối cái giải CPP thì phải nói là khôn ngoan. Một hung thần như Mugabe mà còn có sỉ diện để gạt cái trò hề của Bắc Kinh sang một bên thì đủ biết ông này cũng còn có tư cách đó chứ.

Giải CPP được Tàu tạo ra vào năm 2010. Năm đó cũng là thời điểm mà Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hoà Bình. Lưu Hiểu Ba, như chúng ta biết, là một nhà hoạt động cho tự do nhân quyền bên Tàu. Do đó, đối với Tàu cộng, việc ông này được trao giải thưởng danh giá đó là một sỉ nhục đối với họ, và họ rất tức tối theo đúng với tinh thần Tàu hèn. Để "rửa mặt" và cạnh tranh với giải Nobel Hoà Bình, Tàu sáng chế ra cái giải CPP.

Không nói ra, chúng ta cũng biết cái tiêu chuẩn của CPP rất khác với giải Nobel Hoà Bình. Khỏi cần xem tiêu chuẩn của họ ra sao, chỉ cần nhìn vào cái danh sách những người được trao giải thì chúng ta sẽ biết ngay nó có giá trị như thế nào. Trước Mugabe, Tàu trao giải CPP cho Vladimir Putin (Nga), Fidel Castro (Cuba), và Liên Chiến (Đài Loan). Ngoại trừ Liên Chiến, chỉ nhìn hai người du côn "đầu trâu mặt ngựa" kia thì cũng đủ biết giải này danh giá như thế nào.

Côn đồ cầm hung khí ngang nhiên đập phá buổi sinh nhật No-U Hà Nội



Côn đồ cầm hung khí ngang nhiên đập phá buổi sinh nhật No-U Hà Nội










CTV Danlambao - Buổi liên hoan kỷ niệm 4 năm ngày thành lập nhóm No-U Hà Nội đã nhanh chóng bị tấn công bởi lực lượng CA và côn đồ mang theo hung khí.

Vụ việc vừa xảy ra vào tối ngày 30/10/2015, tại nhà hàng Sư Tử, địa chỉ: 96 Thái Thịnh, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Trước đó, lực lượng CA đã kéo đến rất đông bao vây nhà hàng. Buổi sinh nhật diễn ra chưa được bao lâu thì đèn điện bất ngờ phụt tắt.

Hình ảnh và video cho thấy, bất chấp hành vi phá hoại của CA, những khách tham dự vẫn đồng thanh ca vang những bài ca đấu tranh, yêu nước.

Nhiều nhà hoạt động còn giơ cao biểu ngữ có nội dung phản đối chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.





Ảnh: Facebook Lee Nguyen





Buổi sinh nhật đang diễn ra vui vẻ thì bất ngờ bị một nhóm côn đồ mang theo hung khí xông vào đập phá.

Do được sự bảo kê của chế độ cộng sản, đám côn đồ ra tay hết sức hung hãn. Bọn chúng dùng cả gạch đá, chai thủy tinh ném vào đám đông, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em.

Sau khi tiến hành đập phá gây hỗn loạn, đám côn đồ bèn rút ra ngoài để lại cảnh tan hoang, bàn ghế đổ ngã và mảnh thủy tinh vỡ vụn.




Ảnh: Facebook Đặng Bích Phượng



Trước đó, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị CA bắt giam nhiều tiếng đồng hồ khi đang trên đường đến dự tiệc. Blogger Trịnh Anh Tuấn thì bị hành hung gây thương tích ngay trước cửa nhà.

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nguyễn Thanh Giang – Ai phải chịu trách nhiệm trong việc Trung Quốc tiếp tục xâm lấn Trường Sa?



Nguyễn Thanh Giang – Ai phải chịu trách nhiệm trong việc Trung Quốc tiếp tục xâm lấn Trường Sa?






nguyen-thanh-giang.jpg
Ông Nguyễn Thanh Giang





Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam




Trong những sai lầm mà ĐCSVN phạm phải, việc đưa Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư thuộc loại sai lầm nghiêm trọng nhất.


Tôi đã viết như sau trong bài “Lại nói về nguy cơ Lê Chiêu Thống hiện đại”, công bố ngày 20 tháng 4 năm 2013:


“Tổng Bí thư không học và chưa hề trải nghiệm thực tế lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và nông nghiệp nói riêng; không học và chưa trải nghiệm thực tế về kinh tế-tài chính… Ông chỉ có một mớ sách Mác - Lênin cổ lỗ sĩ với một tệp văn kiện, diễn văn viết theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.


(Tôi gọi ông là cậu ấm hiện đại, làm nghề cạo giấy. Cái mác giáo sư – tiến sỹ ông được gắn chẳng qua chỉ là trời ơi đất hỡi. Để làm được một luận văn khoa học nghiêm túc người ta không chỉ phải thiên kinh vạn quyển mà phải lăn lưng vào thực tế kiệm nghiệm để thu thập số liệu riêng của mình. Ông xào xáo không biết được mấy trang sách rồi đem cái giấy giới thiệu của ĐCSVN sang trường Đảng CSLX thì không thầy nào không thể không phê “otlichno” mặc dù chỉ người đọc thông viết thạo là có thể viết được luận văn kiểu ấy)


Chẳng những thế con người ấy còn tỏ ra rất non kém. Vì non kém, ông ta chỉ có thể thuyết giáo chung chung. Hoặc nói những điều vô thưởng vô phạt. Hoặc nói những điều cũ mèm lạc lõng, lạc hậu đến mức như là phản động.

Việc làm thì chẳng đâu vào đâu. Hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thủ đô rất trì trệ. Kém hẳn so với Đà Nẵng, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Đã thế còn tiếp tay cho Siputra lậu thuế ba ngàn tỷ đồng để được hưởng một biệt thư trị giá một triệu đôla.


Hành động quyết liệt nhất trong đời NPT, sau này kể lại, chỉ có thể là hành động đã được ông biểu diễn trong Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi. Thế mà, kết quả hành động này đã không chỉ mang lại thất bại cho cá nhân ông mà còn bôi nhọ cả “triều đình” ĐCSVN.…


Những gì diễn ra trong Hội nghị TW4 không dấu nổi âm mưu sát phạt nhau giữa Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Tấn Dũng”.


Không hạ bệ được ông Nguyễn Tấn Dũng, NPT đứng khóc thút thít trên tivi như một đứa trẻ con. Càng trẻ con hơn khi ông từng “khoe phiếu bé ngoan” với “thiên triều” của ông. Sau đây là đoạn kể của tôi trong bài “Rất đáng phàn nàn về ông Nguyễn Phú Trọng” viết ngày 7 tháng 5 năm 2007:


“Ngạc nhiên hơn là, ông Nguyễn Phú Trọng oang oang báo cáo với Trung Quốc và với toàn thế giới rằng: “Từ ngày nhận lãnh cương vị chủ tịch Quốc hội, nước đầu tiên tôi đi thăm là Trung Quốc”.


Khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng vừa nói câu trên, mặc dù đang ngồi trước một số người, như là một phản xạ vô điều kiện, tôi đột nhiên văng bậy: “Sao cái thằng cha ngu quá thế nhỉ!”.


Nói ra như vậy hết sức vô chính trị. Chẳng nhẽ ông Nguyễn Minh Triết lên làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng chính phủ mà không sang thăm ngay Trung Quốc là không đúng bằng ông Nguyễn Phú Trọng hay sao? Chẳng nhẽ đối với Việt Nam, tất cả các nước đều chỉ được xếp hàng sau Trung Quốc hay sao?


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn Nhật Bản, chủ tịch Nguyễn Minh Triết chọn Lào là những nước đến thăm đầu tiên (chứ không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc) là rất thông minh.


Có cụ cách mạng lão thành đặt câu hỏi: “Hay là họ muốn vỗ vào mặt nhau, muốn chèn nhau để được ưu tiên đón nhận ân huệ và sự bảo trợ của Trung Quốc?”.


Trẻ con như vậy nhưng rồi NPT đã từng tỏ ra rất ngạo mạn, khinh khi. Giữa lúc Biển Đông trào sôi căm hận: Trung Quốc xây thành đắp lũy ở Hoàng Sa, tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, cắt cáp tàu thăm dò Dầu khí ở Trường Sa, cấm và bắn giết ngư phủ ta, không cho đánh cá ở Biển Đông…., Quốc hội bồn chồn lo lắng đòi được nghe, được bàn thảo về tình hình Biển Đông thì NPT gạt đi, bảo rằng “Tình hình Biển Đông không có gì mới”!


Không chỉ lấp liếm tội ác cho giặc, NPT còn tiếp tay thực hiện âm mưu cô lập hóa Việt Nam, biến Việt Nam thành con mồi đơn độc trước dã thú.


Ai cũng thấy, trong tình hình hiện nay, Việt Nam không thể nào đơn phương đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Muốn giữ Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế và sự hỗ trợ của cộng đồng nhân loại. Nhưng, NPT đã từng âm mưu tước bỏ các bửu bối quan trọng đó để trói tay nạp mạng Việt Nam cho Trung Quốc.


Bản tuyên bố chung ký kết giữa NPT và Hồ Cẩm Đào ngày 15 tháng 10 năm 2011 không hề đả động đến DOC và COC, chỉ cam kết sẽ giải quyết các vấn đề Biển Đông theo “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Hai ngày sau khi NPT ký bản cam kết đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, sung sướng tung hô trước thế giới rằng: “Tuyên bố chung Trung-Việt" có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định. Trung Quốc và Việt Nam thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước không liên can gì với bên thứ ba".

Tháng 8 năm đó, sau “Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung", Nguyễn Chí Vịnh cũng ném vào mặt quốc tế rằng: “Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết giữa hai nước với nhau".


Vừa lấp liếm cho tội ác của giặc, vừa thực hiện âm mưu cô lập hóa Việt Nam, tại Hội nghị Shanggri-La 13, tên tướng rụt cổ Phùng Quang Thanh khua môi: “Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương …. Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”.


Trời ơi, thế này thì còn cần gì Bí thư Quân ủy Trung ương với Bộ trưởng Quốc phòng cho tốn cơm. Làm gì cần đánh giặc nữa vì họ đã sẵn sàng rước chúng vào làm tổ sư họ!


Cần lưu ý rằng, cự tuyệt quốc tế, song phương hóa vấn đề Biển Đông không phải chủ trương của Bộ Chính trị ĐCSVN mà chỉ là âm mưu của Trung Quốc được NPT rắp tâm thức hiện. Bằng chứng là trong bản Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc do Chủ tịch Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng 6 năm 2013 có nhấn mạnh đến DOC.


Quyết liệt hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giữa Hội nghị Shangri-La đã công khai “ra lệnh” cho Trung Quốc phải “thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC)”, Ông nói rất dõng dạc: “ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.


Thẳng thừng bác bỏ đàm phán song phương, Thủ tướng tha thiết gọi mời: “Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò của các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất…”.


Biểu hiện thực tế trên cho thấy có hai Bộ Chính trị. “BCT NPT” là BCT phản động, BCT bán nước; “BCT NTD”, trong trường hợp này, đã nói đúng tiếng nói của dân tộc Việt Nam (Những mong rằng rồi sẽ làm như nói).


Trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư của NPT nổi cộm nhất, nguy hiểm nhất, da diết nhất là vấn đề biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm lấn.


(Vấn đề tham nhũng, vấn đề tụt hậu, vấn đề tệ nạn xã hội… cũng nhức nhói và được nói đến nhiều, nhưng kết quả giải quyết chẳng ra gì. Tất cả ngày càng trở nên lụn bại hơn, nếu không muốn nói là thối nát. Giành lấy quyền trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng từ tay Thủ tướng, NPT làm tệ hơn. Chẳng những thế, để chạy tội non kém, NPT ngụy biện xằng bậy: Đường Tăng đi thỉnh kinh cũng phải hối lộ, Đánh chuột khéo vỡ bình).


Đối mặt với tai họa xâm lăng của Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất cương nghị: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".


Trước tuyên bố ngang ngược của Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình khi trả lời báo Wall Street Journal ngày 22/9/2015: Quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) ở Biển Đông “từ thời xa xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 28/9/2015, trong bài phát biểu tại Hội Á Châu (Asia Society) ở New York cũng như trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) Việt ngữ, đã đáp trả dõng dạc: “Ngài Tập Cận Bình khẳng định Nam Sa từ lâu là của Trung Quốc thì chúng tôi cũng nói lại rằng đối với chúng tôi, lập trường trước sau như một không thay đổi. Chúng tôi gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa, trước sau như một là thuộc về Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền là của Việt Nam chúng tôi.”, “Chúng tôi mong muốn mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Đây là cách duy nhất (để giải quyết bất đồng)”.


Trong khi đó thì NPT như liệt khẩu, không hề nói được một câu ra hồn trước vấn đề tối khẩn thiết liên quan đến vận mệnh quốc gia.


Nhãn quan chính trị của NPT mù mờ, cái tầm của ông ta rất thấp (cái tâm cũng chẳng ra gì khi chỉ quẩn quanh lo bảo vệ những ý kiến trong luận văn của mình mà bỏ mặc tổ quốc, bỏ mặc nhân dân). Trên bàn cờ chính trị, trước đối thủ, NPT luôn luôn hoặc bị lừa, hoặc chậm một nước. Rất có thể Trung Quốc đã không dám đưa HD-981 vào Hoàng Sa, chưa dám xây “Trường thành cát” ở Trường Sa nếu Việt Nam kịp thời nâng quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm Hợp tác Chiến lược và có hải quân Hoa Kỳ đóng ở Cam Ranh.


Việt Nam luôn luôn bỏ qua những cơ hội vàng mà nhẽ ra những người lãnh đạo sáng suốt phải biết kịp thời năm lấy. Trong chuyến viếng thăm vịnh Cam Ranh đầu tháng Sáu năm 2012, đứng trên con tàu chở khí cụ USNS Richard E. Byrd, ông Panetta Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã khẳng định một điều vô cùng quan trong trước báo chí: "Tàu hải quân của Hoa Kỳ có thể sử dụng cảng Cam Ranh là yếu tố quan trọng của mổi quan hệ giữa hai nước và chúng ta thấy khả năng xảy ra điều này là rất lớn trong tương lai”.


Năm 1978 ta đã từng cho Liên Xô thuê cảng Cam Ranh 25 năm để phục vụ cuộc chiến tranh lạnh của hai nước ngoài, ngày nay trước họa ngoại xâm, vì quyền lợi của chính bản thân, nhằm bảo toàn giang sơn gấm vóc sao ta không khẩn thiết mời Hoa Kỳ vào.


Còn có thể dẫn chứng nhiều việc làm dớ dẩn, nhiều câu nói u mê nhưng thiết nghĩ những gì vạch ra trên đây đủ chứng tỏ rằng NPT hoặc quá ngu dại, hoặc là nội ứng cho giặc. Không những không gỡ được Hoàng Sa mà chính NPT còn tạo điều kiện cho Trung Quốc xâm lấn Trường Sa. Tội lớn này chắc chắn lịch sử sẽ phán xử.

Lý Thái Hùng - Tuần tra 12 hải lý: Dằn mặt hay đối đầu?



Lý Thái Hùng - Tuần tra 12 hải lý: Dằn mặt hay đối đầu?










Sau hai lần thuyết phục Bắc Kinh ngưng xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa bằng đường lối ngoại giao hoàn toàn thất bại, Tổng thống Obama ngày 26/10 vừa qua đã chính thức cho phép lực lượng hải quân Hoa Kỳ đưa tàu chiến tiến vào biển Đông như một động thái mới để đối đầu với Bắc Kinh.


Ngoại giao thất bại


Nhằm giảm thiểu tình trạng căng thẳng trên biển Đông, Tổng thống Obama đã dùng ngoại giao để thuyết phục Bắc Kinh ngưng bồi đắp phi pháp 7 đảo nhân tạo. Nỗ lực đầu tiên là Ngoại trưởng John Kerry đã thân hành đến Bắc Kinh thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc hồi tháng 5/2015 nhưng bất thành.

Sự thất bại của Ngoại trưởng John Kerry đã khiến cho giới quân sự Hoa Kỳ sốt ruột nên đã yêu cầu Tổng thống Obama tiến hành biện pháp quân sự nhằm răn đe Bắc Kinh; nhưng Tổng thống Obama vẫn kiên trì với giải pháp ngoại giao, hy vọng sẽ thuyết phục được Tập Cận Bình khi ông này viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9.

Tổng thống Obama đã tổ chức một buổi ăn tối đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo với một vài phụ tá thân cận chỉ để bàn riêng về biển Đông một ngày trước khi lãnh đạo Trung Quốc được mời dự đại yến tại Tòa Bạch Ốc, nhưng cũng đã không mang lại kết quả nào.

Tuy trong cuộc họp báo với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố là sẽ ngưng các việc bồi đắp và tôn trọng quyền tự do hàng hải của các nước trong khu vực; nhưng các lời hứa của họ Tập chỉ là nói lấy có để xoa dịu dư luận vào lúc đó. Trong thực tế, theo những hình ảnh chụp được từ vệ tinh, Bắc Kinh vẫn tiếp tục bồi đắp và tổng số diện tích lên đến 2 ngàn mẫu.

Tổng thống Obama không chỉ bị áp lực từ giới quân sự Hoa Kỳ sau giải pháp ngoại giao thất bại mà còn đến từ Tokyo và Manila khi chính phủ Nhật và Phi Luật Tân cho biết là không còn có thể “nhẫn nại” trước các áp lực bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.


Tuần tra 12 hải lý


Ngay sau buổi ăn tối ngày 24/9 để thảo luận về giải pháp biển Đông thất bại, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho người phụ tá liên lạc và yêu cầu Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương bắt đầu xúc tiến kế hoạch tuần tra trên biển Đông.

Như vậy, việc đưa tàu chiến tuần tra được chuẩn bị từ một tháng trước và Hoa Kỳ đã không giấu kín nỗ lực này. Nhưng Tổng thống Obama đã chần chừ không quyết định ngày khởi đầu cuộc tuần tra.

Mãi đến ngày 24/10, phát biểu sẵn sàng đối đầu với Mỹ trên biển Đông của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong một hội nghị cán bộ cao cấp của Trung Quốc đã làm cho Tòa Bạch Ốc phải hành động vì nếu không sẽ bị… coi thường.

Vì thế mà ngày 26/10 (giờ Hoa Kỳ), Khu trục hạm Lassen từ cảng Yokosuka, Nhật Bản đã tiến vào biển Đông, nhưng chỉ là động thái khởi đầu nhằm dằn mặt Bắc Kinh hơn là chuẩn bị sự đối đầu quy mô.

Khu trục hạm Lassen có biệt danh là "Sea Devils" - Quỷ Biển. Đây là loại Khu trục hạm mạnh nhất trong biên chế Hải quân Mỹ, thực hiện các nhiệm vụ từ chống tàu trên mặt nước, tàu ngầm, tấn công mặt đất đến phòng thủ tên lửa.

Theo kế hoạch, Khu trục hạm tiến vào khu vực tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh bãi đá Subi (mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam tháng 3/1988) và Đá Vành Khăn (mà Trung Quốc chiếm của Phi Luật Tân năm 1995) trong quần đảo Trường Sa.

Cuộc tuần tra có phối hợp với máy bay trinh sát, loại P-8 Poseidon tối tân nhất của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối Hoa Kỳ với bài ca cũ rích rằng Hoa Kỳ đã vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh. Trong lúc tuần tra, Hoa Kỳ đã thu hình và công bố hai chiến tàu của Trung Quốc chạy sau phía khu trục hạm Lassen nhưng không có bất cứ động thái ngăn cản nào.

Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 27/10, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng chuyến tuần tra của Khu trục hạm Lassen đã hoàn tất và cuộc tuần tra sẽ diễn ra thường xuyên chứ không chỉ một lần.
Dằn mặt hay đối đầu

Hoa Kỳ đã đứng trên lập trường bảo vệ “quyền tự do hàng hải” để tiến hành cuộc tuần tra và coi việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo là phi pháp, vi phạm Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, tham vọng của Trung Quốc là nhanh chóng hoàn tất các căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa như họ đã làm tại Hoàng Sa để đặt Hoa Kỳ và các nước trong khu vực vào tình trạng “chuyện đã rồi”, nên Bắc Kinh đã bất chấp tất cả những phản đối của các nước.

Vấn đề còn lại nằm ở sự quyết đoán của Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Obama, trong việc ngăn chận các hành động xâm lược trắng trợn nói trên của Bắc Kinh.

Tổng thống Obama vốn chủ trương đối thoại để thuyết phục Trung Quốc ngưng những công trình quân sự hóa trên biển Đông. Hơn nữa ông chỉ còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ nên sẽ không muốn phiêu lưu trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Ngay cả Tập Cận Bình, tuy muốn tạo ra cuộc chiến từ bên ngoài để lấy đó làm lý cớ trấn áp nội bộ vốn đang bị phân hóa trầm trọng do kế hoạch “đả hổ diệt ruồi” từ năm 2013 cho đến nay. Nhưng bản thân Tập Cận Bình đang đối diện với rất nhiều nguy cơ có thể bị mất mạng khi mà tình hình kinh tế suy thoái với những đe dọa đảo chánh ngày một gia tăng.

Tuy biển Đông căng thẳng, nhưng bản thân ông Obama và Tập Cận Bình đã có những giới hạn tự thân nên họ sẽ không liều lĩnh để tạo ra cuộc đối đầu không lường trước hệ quả.