Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Dư Luận Nhật Rất Quan Tâm Về Tình Hình Dân Chủ Hóa Á Châu




Dư Luận Nhật Rất Quan Tâm Về Tình Hình Dân Chủ Hóa Á Châu



Nam Phương- Đặc phái viên đài CTM




Buổi hội luận tại đài TV Sakura Cable


(Tokyo) Tối Thứ Bảy, ngày 11 tháng 2 vừa qua, Đài Truyền Hình Sakura Cable đã dành nguyên ba tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm, từ 20 giờ đến 23 giờ, thực hiện một cuộc hội luận đặc biệt dưới chủ đề: Liệu có “Mùa Xuân Dân Chủ Á Châu” hay không, với các thành viên trong Hội Đồng Liên Đới Dân Chủ Á Châu.

Đây là lần đầu tiên trong gần 3 thập niên vừa qua, một đài truyền hình Nhật Bản đã thực hiện cuộc hội luận Live về Dân chủ Á Châu phát đi trên toàn quốc Nhật Bản. Diễn giả được mời trong cuộc hội luận gồm Giáo sư Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng), ông Mahamdy (Uyghur), ông Olhunud (Nội Mông), ký giả Vương Tiến Trung (Trung quốc) và ông Ngô Văn (Việt Nam). Ngoài ra còn thêm một diễn giả khác là bà Lý Xuân Tử (một người Nhật mới vừa trốn khỏi Bắc Triều Tiên). Ông Mizushima, Giám đốc đài TV Sakura Cable, là người đìều hành buổi hội luận.

Cuộc hội luận mở đầu bằng một đoạn video dài chừng 3 phút về cảnh một ni cô Tây Tạng vừa mới tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Cộng sản Trung quốc. Sau đó ông Mizushima nêu câu hỏi: chỉ trong vòng 1 năm đã có 15 tăng ni người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Bắc Kinh, thế nhưng truyền thông Nhật Bản chỉ loan tin mang tính chất thời sự, không nói rõ vấn đề tại sao người dân Tây Tạng phải tự thiêu cho dư luận Nhật hiểu biết. Đây là một chuyện đáng hổ thẹn cho ngành truyền thông của Nhật, chỉ muốn chạy theo lợi nhuận chứ không đặt nặng vấn đề vi phạm nhân quyền đối với các chế độ độc tài ở trong vùng.

Ông Ngô Văn đã góp ý kiến về vấn đề này như sau: Cách đây 49 năm, vào năm 1963, tại Việt Nam đã có Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối việc mà Ngài cho là đàn áp Phật giáo của chính quyền Đệ nhất Cộng hòa. Vào thời điểm đó, phương tiện truyền thông không hiện đại như ngày nay thế mà chỉ vài tiếng đồng hồ sau là tin tức và hình ảnh cuộc tự thiêu đã được loan truyền khắp làm xúc động dư luận thế giới. Câu hỏi đặt ra là tại sao vào thời đó truyền thông thế giới, đặc biệt là Nhật Bản đưa tin rất đậm nét về cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức; nhưng nay lại im lặng hoặc loan tải qua loa về các cuộc tự thiêu của tăng ni Tây Tạng.

Câu trả lời không phải chỉ là truyền thông Nhật Bản chạy theo lợi nhuận mà còn do sự tiêu cực của chúng ta, những người luôn cổ võ cho tự do, dân chủ nhưng không thực sự hành động một cách rốt ráo. Hiện nay đối tượng bá quyền là Trung quốc rất nguy hiểm, nhưng dư luận Nhật chưa đánh giá đúng mức vì vậy nên không mấy quan tâm về những chính sách vi phạm nhân quyền ở Trung quốc.

Nhà cầm quyền CSVN cũng đang ra sức ngăn cấm không cho tin tức về những cuộc tự thiêu của tăng ni Tây Tạng lọt vào Việt Nam, nhưng cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng tôi tìm cách chuyển những tin tức và hình ảnh tự thiêu này về Việt Nam. Chúng tôi mong rằng dư luận và chính giới Nhật có những phản ứng và áp lực kịp thời buộc chính quyền Bắc Kinh ngưng ngay các chính sách vi phạm nhân quyền và âm mưu khống chế cả vùng biển Đông. Một Á châu bất ổn bởi chính sách bá quyền của Bắc Kinh sẽ có hại cho tất cả, trong đó có Nhật Bản.

Phần trao đổi sôi nổi nhất là Nhật Bản có thể giúp gì cho các phong trào dân chủ tại những quốc gia độc tià như Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng và Liệu có một Mùa Xuân Dân Chủ đến với Á Châu hay không?

Đa số các diễn giả điều khẳng định rằng các dân tộc tại Á Châu không mong đợi Thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng mang tự do, dân chủ đến cho những người dân đang bị áp bức vì đó là nhiệm vụ tiên quyết của các lực lượng chính trị, đảng phái của các nước; nhưng mong muốn chính quyền và nhân dân Nhật Bản không nên tiếp tục im lặng như nhiều thập niên qua mà hãy hành động như: 1/Lên tiếng phản đối công khai mà mạnh mẽ những đàn áp nhân quyền tại các quốc gia độc tài; 2/Áp dụng những biện pháp chế tài như nhiều quốc gia Phương Tây đã từng làm đối với CSVN, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên; 3/Tổ chức những phái đoàn thăm viếng và ủy lạo những nhà dân chủ đang bị bức hại trong các lao tù ở những quốc gia Miến, Việt Nam, Trung Quốc; 4/Công khai ủng hộ và hỗ trợ những lực lượng dân chủ tại các quốc gia độc tài Á Châu mà việc tổ chức Hội Nghị Dân Chủ Á Châu trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2011 là một nỗ lực đáng ca ngợi.

Nếu như chính quyền và dư luận Nhật Bản quan tâm và có những hỗ trợ cụ thể như đề cập bên trên, các diễn giả đã bày tỏ sự lạc quan rằng sau Miến Điện, làn sóng dân chủ sẽ thổi đến Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tiến sĩ Pima và ông Ngô Văn đã phân tích hai sự kiện xảy ra ở Ô Khảm (Quảng Đông, Trung Quốc) và Tiên Lãng (Hải Phòng, Việt Nam) là những báo hiệu sức đề kháng của người dân bắt đầu trổi dậy. Lý do là trong bối cảnh toàn cầu ngày nay, mọi thông tin được nối kết từ những cá nhân qua các mạng xã hội, nên nó có sức tác động mạnh mẽ lên dư luận của nhiều quốc gia. Đó chính là động lực tạo ra mùa xuân dân chủ tại Á Châu trong thời gian tới.

Một ngày sau cuộc hội luận, đài TV Sakura Cable cho hay nhiều khán giả đã gọi đến đài hỏi thăm về cách thức đóng góp yểm trợ cho các phong trào dân chủ tại các nước Á Châu, đồng thời yêu cầu tổ chức thêm nhiều cuộc hội luận để cho dư luận theo dõi các diễn biến tại Á Châu. Cũng theo đài TV Sakura Cable thì số khán giả xem chương trình hội luận trên TV đài lên đến 8,2%, một con số rất cao đáng ngạc nhiên. Trên web site của đài tại địa chỉ http://www.so-tv.jp ở phần You tube có chiếu một đoạn ngắn giới thiệu các diễn giả của cuộc hội luận này.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét