Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

"Đời thừa!"



"Đời thừa!"


Quỳnh Chi, RFA
2012-02-13


Có những cuộc đời đơn độc, lẻ loi. Có những người sống lặng lẽ, chấp nhận đi bên lề xã hội. Họ loay hoay giữa quá khứ và không biết được tương lai. Và họ gọi đời họ là “đời thừa”.



Ảnh Thành Nguyễn
Nhà tôi là mái hiên người!


Mang ơn chiếc mái hiên nhà


Khi ánh đèn từ các cửa hiệu tạp hóa cũng dần tắt và đường phố đã thưa người qua lại, là lúc ông Phước lủi thủi trở về cái ngõ tối vắng tanh quen thuộc. Vẫn đôi dép Lào mòn đế, vẫn chiếc xe đạp gãy sườn chất đầy những gì ông nhặt được, và vẫn dáng dấp mệt mỏi, ông Phước ngồi bệt xuống nghỉ lưng trước khi loay hoay chuẩn bị chỗ ngủ.

Đã hơn một năm nay, bà con ở đường Quang Trung, P.11, Q. Gò Vấp, Tp. HCM quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ cứ mỗi tối lại lặng lẽ, nằm cong queo ngã lưng trước cửa một nhà thuốc tây. Ông Nguyễn Hữu Phước tâm sự:

“Bây giờ nhà cửa đâu còn nữa, ở vất vả lắm”


Giấc ngủ đêm hè. Ảnh Thành Nguyễn




Nói thì nói vậy nhưng trong thâm tâm ông Phước rất mang ơn cái mái hiên nhà thuốc. Nhờ nó mà ông tránh được mưa gió đã gần một năm nay. Trước đó, nhà của ông là những vỉa hè và bệ đá công viên, nơi mà mỗi sáng thức giấc điều duy nhất ông biết được mình vẫn còn sống.
Trời tháng Giêng âm lịch ở Sài Gòn không lạnh như Hà Nội, nhưng những cơn gió thi thoảng lướt qua trong đêm và những cây mưa rào đầu xuân cũng đủ làm sởn da người vô gia cư dưới làn áo mỏng và đủ làm tăng thêm cái cô đơn của kẻ không nhà.

Đói rét có lẽ cũng chẳng mang ý nghĩa gì đối với một người từng vất vả như ông Phước nhưng dường như ông không đánh lừa được cảm xúc của mình với cái cô độc trong tâm hồn. Chính vì thế mà ông bỗng thèm được tâm sự. Ông Phước bắt đầu kể chuyện về những người bạn của mình:

“Tôi cũng có vài người bạn già, lâu lâu gặp thì hủ hỉ vậy thôi. Sống ngoài đường, gặp nhau chào hỏi vậy thôi, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở”

Những người bạn của ông Phước là những người bán vé số và những người già cơ nhỡ. Họ gặp nhau trên đường phố, tại công viên, kết thân với nhau mà cũng không biết ngày mai có còn gặp nhau không.

Có những người bạn già mới hôm qua còn tâm sự với nhau hôm sau đã thấy nằm cong queo, cứng ngắc trên ghế đá vì không qua nổi một đêm giông.

Có những người bạn gặp nhau được một lần bỗng dưng biến mất vì bị đưa vào trại bảo trợ xã hội hoặc bị đưa đi ăn xin ở bến khác.

Ông Phước gọi cái đời sống tạm bợ này là “đời thừa”. Và mỗi khi phải giải thích cho những bất hạnh, ông Phước chỉ thở dài buông lõng một câu “Cái đời thừa nó thế” - nửa như cam chịu, nửa như mỉa mai.

Ở tuổi ngoài sáu mươi, nhưng ông Phước trông như đã tám mươi với chòm râu trắng dài đến ngực. Ông lão tâm sự, đã ba mươi mấy năm nay ông chưa có một bữa cơm gia đình. Đối với ông cuộc sống thực sự chỉ là một ngày. Ông không định nghĩa được một ngày buồn hay một ngày vui mà chỉ có một ngày sống hay một ngày chết.

Đi kinh tế mới, mất nhà


Lúc kể về cái tan tác của cuộc đời mình, ông buồn nhưng không khóc như để chấp nhận một cuộc sống bên lề giữa muôn ngàn nuộc đời khác trong xã hội.

“Đương nhiên là tôi cũng tủi thân nhưng cũng qua thôi, cũng không sao cả”, ông nói.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Phước bắt đầu câu chuyện về những người bạn. Đối với ông lúc này, được nói chuyện với những người đồng cảnh ngộ là niềm vui duy nhất. Mỗi khi nhắc đến nhân thân, nhà cửa, giọng lại có vẻ cao hơn, chòm râu trắng lại bật theo đôi môi vừa run vừa mấp máy.

Ông Phước cho biết ông chỉ có một người em duy nhất nhưng cũng mất từ lúc năm tuổi. Lớn lên, ông ở tại Sài Gòn trong ngôi nhà của ông nội của mình. Sau năm 1975, ông bị đưa đi vùng kinh tế mới và khi trở về thì căn nhà đã thuộc về người khác trong sự ngỡ ngàng và phẫn uất của chính ông.

Từ đó ông sống đời lang thang, không vợ con, không bầu bạn. Người thân duy nhất của ông là gia đình một người dì ở Vũng Tàu. Tuy nhiên, từ khi bị mắc bệnh lao, ông cũng bị đuổi ra ngoài sống đời phiêu bạt.


Tâm sự với người có lòng. Ảnh Thành Nguyễn


Trở lại Sài Gòn, ông Phước sống lang thang bán vé số nuôi thân nhưng chỉ được một thời gian thì mất cả vốn vì phần bị gạt và phần bị giật. Ngày bị giật hết tấm vé số cuối cùng trên tay, ông Phước như chết trân, ngơ ngáo giữa Sài Gòn, mặt nhăn lại mà không khóc. Ông bắt đầu mượn một người bạn bán vé số 500 ngàn và mua dụng cụ bơm xe đạp kiếm sống.

“Tôi bơm xe đạp kiếm sống. Thu nhập cũng vô chừng vì tôi làm ngoài đường chứ đâu phải có tiệm cố định. Cũng như câu cá vậy. Có hôm thì được 50 ngàn, có hôm thì 20 ngàn, có hôm cũng không có gì cả. Tự tôi học, kiên nhẫn rèn luyện rồi hành nghề. Không ai lo được cho mình thì mình phải tự kiếm sống chứ sao”.

Mặc dù đã già, nhưng do lòng tự trọng, ông Phước quyết không lợi dụng lòng tốt của người khác. Cứ mỗi sáng, trước khi hiệu thuốc tây mở cửa là ông đã thức dậy thu xếp ra một góc phố ngồi bơm xe đạp. Anh Thành, một người tình cờ biết ông Phước khi ông ngủ lang thang trên đường phố, cho biết:

“Chú bơm xe hoàn toàn bằng tay, coi như là bằng cách thô sơ nhất. Bơm xe thì được 1 – 2 ngàn đồng; vá xe thì được 8 – 10 ngàn. Chú hoàn toàn rất tỉnh táo mà cũng không bao giờ xin ai cái gì. Người ta cho cái gì, nếu cần thì chú mới lấy còn không thì chú cũng từ chối”

Bây giờ bệnh lao của ông đã giảm nhưng lúc trước ông vừa bơm xe mà vừa ho sặc sụa. Vậy mà ông không bao giờ vòi tiền thêm của khách. Ai muốn cho bao nhiêu ông lấy bấy nhiêu, miễn sao ngày hôm đó ông có đủ tiền ăn và trả 5 ngàn đồng cho nhà tắm công cộng.

Nhiều khi ngồi không có khách, ông đạp xe vòng quanh Sài Gòn vá xe dạo. Mỗi khi ông Phước di chuyển là ông chở cả “ngôi nhà” của mình trên chiếc xe cũ kỷ. Anh Thành nói thêm:

“Trên chiếc xe đạp là toàn bộ hành trang của chú hết. Khi di chuyển thì coi như là di chuyển cả căn nhà. Trên xe có 3 túi lớn: một túi để đồ nghề vá xe, một túi để áo quần, một túi đựng chai lọ. Trên xe còn chở mấy cái bao bố. Chú lượm mấy cái bao để sẵn, khi cần thì trải ra ngủ”

Lúc nào trên xe đạp của ông Phước cũng có vài chai nước và một cái thau nhôm – là dụng cụ vá xe của ông. Có lẽ vì phải chở nhiều đồ: nào đồ cá nhân, nào đồ nghề và nào các thứ ông nhặt được ở thùng rác... mà chiếc xe đạp cũ đã gãy sườn vài lần. Ông cũng đã nhiều lần hàn lại và lấy cây nẹp lại dùng tạm.

Từ một năm nay, ông ngủ cố định tại mái hiên của nhà thuốc tây ở quận Gò Vấp này. Ban ngày ông đi vá xe, khi mệt thì tìm bóng mát mà nghỉ. Ban đêm, chờ khi nhà thuốc đóng cửa và tắt đèn thì ông lại mắc võng vào hai đầu cửa sắt mà nằm. Có những ngày mưa thúi trời, ông lão ngồi lạnh co ro mà cũng chẳng kiếm được đồng nào. Tối về ai cho cái gì thì ông ăn nấy, nếu không thì nhịn đói đi ngủ chứ ông quyết không xin ăn hay làm điều xấu:

“Cũng vô chừng lắm. Có khi người ta cho tôi mì gói, có khi cho bánh mì...nói chung tùy lòng hảo tâm, người ta có gì thì cho đó thôi. Lúc cực khổ mà người ta giúp được như vậy là quý lắm. Giày dép còn có số. Bây giờ tôi có muốn đòi hỏi cũng đâu có được. Số phận mình là “chén đá” thì phải chịu chứ sao. Bá tánh giúp cho tôi như vậy là quý rồi, không dám đòi hỏi gì đâu”

Tim đập, chân cuống, mắt hoe


Có một dạo, ông lão bị đưa vào một trung tâm bảo trợ xã hội vì không có chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn người ta lại thấy ông còng lưng bơm xe trên đường. Cái lý do vì sao cũng không được ông nhắc đến, và trở thành một phần quá khứ nằm bộn bề bên cạnh những mảnh quá khứ khác của đời ông.

Ông Phước tâm sự, đôi khi đạp xe qua khu phố ngày xưa, nơi ông và người em trai từng chạy chơi trong căn nhà của ông nội; là tim ông lại đập mạnh, chân lại cuống và mắt lại hoe. Bởi tại đó, đời ông đã trở thành “đời thừa”.

Ông Phước gọi cuộc đời mình là “đời thừa” vì sự tồn tại của ông không mang đến một sự khác biệt nào trong xã hội. Tuy nhiên, nếu không có những người như ông, xã hội lại mất đi những người bơm xe chân chính.   


Một cảnh không nhà: cụ Phước, 78 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh-ảnh dalathoa.com/diendan/threads


Quý thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”, mời quý vị chia sẻ câu chuyện của mình, cũng như đóng góp ý kiến với Quỳnh Chi tại email QUYNHCHI@RFA.ORG. Hẹn gặp lại quý vị vào thứ Ba tuần tới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét