Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Việt Nam tuần qua



Việt Nam tuần qua


RFA 11.02.2012


Công luận Việt Nam tuần này tập trung sự chú ý đến sự kiện đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm việc với các cấp chính quyền thành phố Hải Phòng để giải quyết vụ cưỡng chế đất đai dẫn đến nổ súng ở Tiên Lãng.




Courtesy chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, chiều 10/2, tại Văn phòng Chính phủ.


Tiếng chuông Đoàn Văn Vươn


Thông báo của văn phòng chính phủ cho biết, trong buổi làm việc với các cấp chính quyền Hải Phòng vào ngày thứ Sáu 10-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm rõ những khuất tất trong vụ án Đoàn Văn Vươn. Đó là sự đúng sai của quyết định thu hồi đất, cũng như có hay không chủ trương của chính quyền trong việc phá nhà của ông Vươn?

Đón nhận tin này, gia đình ông Đoàn Văn Vươn mong đợi công lý sẽ được thực thi sau khi đích thân Thủ tướng chính phủ đến tìm hiểu tình hình thực tế.


Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, bà Phạm thị Báu, vợ ông Đoàn Văn Quý bày tỏ:


“Chúng tôi nghĩ kể cả cấp trung ương về cũng sẽ
không hoàn toàn tin vào người dân
và hoàn toàn tin vào phía chính quyền,
tôi tin rằng họ sẽ tin vào chứng cứ thể hiện
bằng văn bản giấy tờ.”
Bà Phạm thị Báu


“Chúng tôi nghĩ kể cả cấp trung ương về cũng sẽ không hoàn toàn tin vào người dân và hoàn toàn tin vào phía chính quyền, tôi tin rằng họ sẽ tin vào chứng cứ thể hiện bằng văn bản giấy tờ”.

Mặc dù trước khi đón tiếp phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thành ủy Hải Phòng đã ra quyết định kỷ luật dưới hình thức đình chỉ chức vụ đối với hai lãnh đạo cao cấp nhất của huyện Tiên Lãng là Chủ tịch kiêm bí thư huyện ủy Lê Văn Hiền, và Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh; tuy nhiên, dư luận cho rằng vụ án Đoàn Văn Vươn chỉ là mặt nổi của một tảng băng chìm lớn hơn rất nhiều về thực trạng tranh chấp đất đai tại Việt Nam; và hy vọng, sau tiếng “tiếng chuông Đoàn Văn Vươn”, chính phủ sẽ đưa ra các quyết sách hợp tình hợp lý hơn.

Những ngưởi ủng hộ quan điểm này lập luận rằng không thể giải quyết vụ việc xuê xoa vì những vị như cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Vũ Mão, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ, trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng như nhiều tổ chức Nhà Nước như Mặt Trận Tổ quốc, Liên Chi Hội Thủy Sản, vân, vân… đã lên tiếng và có ý kiến.




Ông Lê Văn Hiền(nay đã bị đình chỉ công tác): "Khi hết thời hạn thuê đất mà chủ đầm không trả thì cưỡng chế" (ngày 12/1/2012). Source dantri-online.


Trong khi chờ đợi những quyết định quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo nhiều người vụ Tiên Lãng có thể coi là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng cưỡng chiếm đất đai lâu nay tại nhiều địa phương khắp cả nước. Nỗi oan ức của nhiều người bị thu hồi đất một cách bất công bị dồn nén như một quả bóng quá căng, đến lúc phải nổ tung. Mối nguy đó khiến cho đích thân ông thủ tướng phải về Hải Phòng để tháo gỡ ngòi nổ cho quả bom thu hồi đất lâu nay.

Cũng trong tinh thần hy vọng vào các quyết sách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều tiếng nói tâm huyết với đất nước cho rằng vụ Tiên Lãng có khi vừa là một mất mát; cũng có khi đồng thời là một cơ hội để chính quyền lấy lại lòng tin của người dân đối với các chính sách của nhà nước.


Vụ tham nhũng Vinalines


Về kinh tế xã hội, Việt Nam tuần này chứng kiến thêm một vụ tham nhũng móc ngoặc lớn tại một tổng công ty nhà nước.

Nếu trong năm 2011, công luận Việt Nam tập trung sự chú ý vào vụ vỡ nợ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashine, thì ngay trong những ngày đầu năm 2012, công an đã bắt giam và tống đạt lệnh khởi tố đối với nhiều viên chức điều hành công ty sửa chữa tàu biển Vinalines.

Tin cho hay, các giới chức điều hành Vinalines, bao gồm cả Tổng giám đốc Trần Văn Sơn đã thông đồng trong việc gian lận sổ sách, giá thành nguyên vật liệu… để chiếm đoạt tiền của nhà nước – mà thực tế là tiền thuế của người dân - để thu lợi cho cá nhân.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh công du ĐNÁ





Các tàu cá và 26 ngư dân Việt Nam bị Thái Lan bắt kéo về cảnh Narathiwat ngày 19 tháng 1, 2012. AFP photo.


Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, Việt Nam tuần qua ghi nhận chuyến công du đến các nước láng giềng Thái Lan, Malaysia và Brunei của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Bangkok, ông Phạm Bình Minh đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Thái Lan xem xét trả tự do cho 26 ngư dân Việt Nam đang bị giam giữ tại nhà tù Narathiwat với tội danh vi phạm lãnh hải Thái Lan.

Nhân dịp này, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đề nghị với phía Thái Lan cùng xây dựng một cơ chế phù hợp để giải quyết các vụ việc tàu thuyền và ngư dân hai phía xâm phạm vùng biển của nhau, dựa trên luật pháp quốc tế và các qui định của hai nước.

Được biết, sau chuyến công du Đông Nam Á, tuần tới ông Phạm Bình Minh sẽ sang thăm Trung Quốc với các hồ sơ gai góc hơn, bao gồm những tranh chấp tại Biển Đông cũng như mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Hạ viện Mỹ thông qua Dự Luật Nhân quyền cho VN 2012





Dân biểu Chris Smith, tác giả dự luật nhân quyền cho Việt Nam. RFA photo.


Trên lãnh vực nhân quyền, hôm thứ Tư tuần này tại Washington, Tiểu ban Nhân quyền của hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua Dự Luật Nhân quyền cho Việt Nam 2012, với mục tiêu “phát huy tự do và dân chủ tại Việt Nam”.

Theo Dân biều Chris Smith, tác giả của Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012, sở dĩ ông phải tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật này vì “chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các nhân quyền căn bản của người dân, cho nên đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải gửi một thông điệp rõ ràng cho phía Việt Nam”.

Được biết, dự luật Nhân quyền 2012 yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không tăng thêm viện trợ cho Việt Nam ngoại trừ các khoản viện trợ nhân đạo.

Dự luật cũng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì lên tiếng đấu tranh ôn hòa như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ... và các tù nhân chính trị, lương tâm, tôn giáo khác.


GS Ngô Bảo Châu được trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp





Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Hà Nội hôm 04/9/2010. AFP photo


Và cuối cùng Việt Nam tuần qua ghi nhận sự kiện một nhà khoa học Việt Nam được nước Pháp vinh danh.

Hôm 27 tháng Giêng vừa rồi tại Điện Élysée, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tích thân trao tặng Bắc Đẩu Bội Tinh cho Giáo sư Ngô Bảo Châu, khôi nguyên giải Fields Toán học Quốc tế.

Bắc Đẩu Bội Tinh là huân chương cao quý nhất của nước Pháp được Hoàng đế Napoléon lập ra năm 1802 để tặng thưởng cho cá nhân tổ chức nào có đóng góp cho nước Pháp, bao gồm cả người nước ngoài như trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu.





…..



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét