CHỐT HẠ MỘT SỐ GỢI Ý QUAN TRỌNG CỦA VỤ TIÊN LÃNG
Tháng Hai 6, 2012 — nguyencuvinh
Đúng 22 giờ hôm nay, Cu Vinh gửi tới các bác danh sách tên người, tài khoản ủng hộ gia đình anh Đoàn Văn Vươn.
Đúng 22 giờ hôm nay, Cu Vinh quyết định tạm ngừng việc ủng hộ, trong đó có lý do Cu Vinh quá bận, không có thời gian cập nhật từng ngày, một số bác đã CM mắng Cu và có những ý nghĩ làm Cu buồn, xét khả năng không kham được việc này, Cu thôi.
Như vậy, 22 giờ tối nay sẽ có danh sách cho đến hết ngày hôm qua ( 5/2). Những bác gửi tiền hôm nay ( 6/2 ) sẽ có thông báo bổ sung vào tối mai.
Hiện tại, Cu Vinh đã nhận được 100.500.000,00 đồng tiền Việt, và 700 USD và 500 CAD.
Hy vọng, đến tối mai, danh sách và số tiền nhận được sẽ được các bác kiểm chứng đủ. Nếu sót ai, các bác gửi Email ngay nhé.
Trân trọng
*****
Trong chuyến về Tiên Lãng, từ nhiều nguồn thông tin, tiếp xúc, tiếp cận hồ sơ, xem xét thực tế, gặp cả lãnh đạo thành phố…thấy cần phải chốt hạ ngay một số vấn đề mang tính gợi ý để kết luận vụ Tiên Lãng. Đây là những mấu chốt cực kỳ quan trọng, liên quan đến kết quả kiểm tra, báo cáo, kết quả xử lý vụ việc.
+ Các đoàn kiểm tra, báo chí cần lấy ý kiến người dân, phân tích hình ảnh để chốt cho được ngôi nhà bị lực lưỡng cưỡng chế phá có phải là ngôi nhà, hay lều? hay chòi? Tất cả người dân địa phương ( tất nhiên cả gia đình) khẳng định là nhà. Lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo thành phố, cả giám đốc Công an thành phố người nói là nhà, người nói là lều, người là trại. Cu Vinh khẳng định đó là nhà ( tuy nhiên nếu nói chính xác thì đó là một ngôi nhà gạch được xây dựng chưa hoàn thiện)- nhưng đó là NHÀ. Khẳng định được việc này thì mới quy kết được tội hủy hoại tài sản công dân, hủy hoại nhà thì mới cấu thành tội, hủy hoại cái lều…là cái zầy…Có hay không sự “ khéo léo” trong cách dùng từ của các báo cáo để né…tội?. Xác minh này không khó. Và đây cũng là hướng khai thác của báo chí và của các đoàn kiểm tra.
+ Báo chí và các đoàn kiểm tra đừng bỏ qua chi tiết này: Ngay sau khi cưỡng chế xong, kéo dài gần 1 tuần, xã Vinh Quang đã phong tỏa toàn bộ khu vực đầm hồ anh Vươn, không ai có thể lọt vào ngoài lực lượng của xã. Phải xác định rõ như thế. Và như vậy, việc toàn bộ tài sản gia đình anh Vươn, trong đó có cá dưới hồ, mất mát, thiếu, bị cưỡng đoạt ( dù chỉ 1 kg cá, không cần tính đến tấn, đến tiền tỷ) thì trách nhiệm trước hết và trên hết thuộc Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang. Chúng tôi phát hiện một việc rất nghiêm trọng: Không có biên bản thống kê tài sản trước cưỡng chế. Đáng chú ý, ngôi nhà đã bị hủy hoại nằm ngoài khu vực cưỡng chế, nhỡ ra gia đình còn cất giữ vài trăm cây vàng thì sao ta? Ai đền?
+ Ai phá nhà? Giám đốc công an thành phố khẳng định với Cu Vinh, kết thúc cuộc trấn áp tội phạm, lực lượng cưỡng chế đã bàn giao cho xã ( có biên bản- vấn đề là thực sự có biên bản không?) thì ngôi nhà hai tầng vẫn còn ( Giám đốc công an TP gọi là chòi). Tối đó hoặc sáng ngày mai ngôi nhà mới được phá hủy. Nếu đúng như vậy, việc ngôi nhà phá hủy thuộc trách nhiệm UBND huyện Tiên Lãng. Dù bất cứ ai phá, giả dụ tối đó xuất hiện một con Voi Tây Nguyên chạy về húc phá ngôi nhà đi nữa, thì trách nhiệm đền bù ( dân sự) cũng phải thuộc về UBND huyện Tiên Lãng ( đơn vị ra quyết định cưỡng chế…) vì toàn bộ khu vực này nằm trong khu vực bị phong tỏa và họ phải chịu trách nhiệm. Cần làm rõ thêm, chiếc máy xúc to tướng xuất hiện tại địa điểm cưỡng chế chính xác là của anh Kết, vấn đề là huyện, xã đã thuê xe anh Kết có hợp đồng không, thuê bao nhiêu tiền. Nhân chứng tại chỗ khẳng định chiếc máy xúc này là phương tiện chủ chốt để húc nát ngôi nhà này. Dù phá bằng cách gì, bằng lực lượng nào, thì dứt khoát Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, chủ tịch UBND xã Vinh Quang cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự.
+ Những sai phạm của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng trong quá trình cấp đất, thu hồi, cưỡng chế đất không chỉ là gia đình anh Đoàn Văn Vươn mà còn ở hàng chục, hàng trăm gia đình khác theo cách làm tùy tiện, gia đình chủ nghĩa, tự tung tự tác, chà đạp luật pháp, làm theo luật huyện, tất cả phải được kết luận rõ ràng, vì đây là nguyên nhân mấu chốt của mọi mâu thuẩn, xung đột. Đoàn kiểm tra và báo chí cũng phải xác định lại, xác định rõ, gần 5 km để bao khu vực đầm hồ nuôi thủy sản là do gia đình anh Vươn gây dựng nên ( nó nằm phía ngoài Đê chắn sóng của Nhà nước). Hiện nay, các vị lãnh đạo địa phương, thậm chí các báo cáo, và cả một số tờ báo, vô tình hay cố ý nhầm lẫn hai loại đê bao này để nói rằng ( như phát ngôn Chánh văn phòng UBND huyện) gia đình anh Vươn chẳng làm gì, chỉ thừa hưởng nhờ đê chắn sóng của nhà nước mà khai thác. Còn việc chính quyền lợi dụng đê bao của anh Vươn để lồng ghép vào công trình xây dựng đầm hồ nuôi trồng thủy hải sản của Dự án TNXP như thế nào, quyết toán khống ra sao, dấu hiệu tham nhũng đến đâu, chúng tôi sẽ công khai ngay sau khi xử lý về mặt kỹ thuật hồ sơ này.
+ Một vấn đề nữa cũng phải làm rõ, vì nó liên quan đến nhân phẩm, lòng tự trọng của gia đình anh Đoàn Văn Vươn: Nhân dân nói, gia đình anh Vươn, anh Quý sống ở nhà ngoài hồ đầm, sống và làm ăn ở đấy mấy chục năm. Một số phát ngôn lãnh đạo nói, gia đình anh Vươn, anh Quý đang có cơ ngơi khang trang ở xã mình. Chúng tôi kiểm tra thấy rằng, cơ ngơi khang trang kia là của em gái anh Vươn. Lẫn lộn tài sản này dễ nảy sinh việc gia đình anh Vươn đang giả nghèo giả khổ. Trong khi chúng tôi xác thực tình hình gia cảnh của họ là bi đát. Có ý kiến lãnh đạo còn nói, việc gia đình người thân anh Vươn, anh Quý ra ở lều vải là cơ sự gợi ký kịch bản của phóng viên báo chí, dàn cảnh nghèo khổ để gây chú ý, gây sự thương cảm, kích động dư luận chửi bới chính quyền. Vấn đề này cần phải có kết luận của cơ quan kiểm tra, vì chắc chắn, theo chúng tôi, nói thế là xúc phạm đến báo chí, xúc phạm đến gia đình anh Vươn. Chẳng ai ngu lại nhè ngày mồng 1 tết, ra giữa đồng mà nằm. Trong khi về thực tế, những người thân anh Vươn, anh Quý không có chỗ ở, mấy ngày trước tết phải tá túc ở đợ nhà em út mình.
+ Các đoàn kiểm tra cần có một thống kê những báo cáo, phát ngôn dối trá hoặc tiền hậu bất nhất của các cấp lãnh đạo từ thành phố đến huyện xã thông qua các cuộc tiếp xúc báo chí hoặc họp báo. Thống kê này rất quan trọng, nó phản ánh chứng cứ của những hành vi: quan liêu, chạy tội, bao biện, băng nhóm lợi ích và coi thường dư luận, coi thường Trung ương.
+ Trên cơ sở những chứng cứ sai phạm của vụ việc, cần lập ra danh sách những cán bộ sai phạm, sai phạm cả về quản lý nhà nước, thái độ, tổ chức, ý thức, phát ngôn để công bố rộng rãi cho nhân dân được biết.
+ Làm tất cả những điều trên rõ ràng là cách tạo cơ sở cho Thủ tướng có kết luận xác đáng về vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội, tạo niềm tin cho nhân dân.
___________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét